Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam kêu khó về giấy phép lao động

(PLO)- Nhiều vướng mắc, kiến nghị từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã được trình bày tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-3, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2023, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã trình bày một số vướng mắc và kiến nghị.

Nóng chuyện giấy phép lao động nước ngoài

Giấy phép lao động nước ngoài tại Việt Nam là ví dụ. Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nói: "Sẽ không hợp lý chút nào khi những người nước ngoài đã sống, làm việc và đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm, đã từng được cấp nhiều giấy phép lao động lại bị từ chối gia hạn giấy phép lao động chỉ vì một số vấn đề nhỏ về thủ tục".

Diễn đàn Doanh nghiệp 2023 có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Minh Trúc

Diễn đàn Doanh nghiệp 2023 có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Minh Trúc

Cũng vấn đề này, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết đã nhận được phản ánh rằng thủ tục cấp giấy phép lao động tốn quá nhiều thời gian. Nhiều trường hợp phải bổ sung, sửa đổi hồ sơ, nên tính ra phải mất 2 - 3 tháng, thậm chí hơn 6 tháng mới hoàn tất thủ tục.

Ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng các quy định cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

Nhắc đến quy định mới về quản lý lao động nước ngoài theo Nghị định 152 theo hướng thắt chặt hơn, Chủ tịch AmCham cho rằng tất cả đang gây khó khăn doanh nghiệp trong cả việc giữ chân lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam và thuê lao động nước ngoài mới.

Ở khía cạnh khác, từ EuroCham, ông Gabor Fluit đánh giá cảnh quan, thiên nhiên tươi đẹp cùng di sản văn hóa giàu có khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu cho khách du lịch. Nhưng để khai thác tối đa tiềm năng này, việc miễn thị thực một tháng nên được mở rộng cho tất cả các nước EU và các nước có nhiều khách du lịch khác.

"Hơn nữa, việc thực hiện một chương trình riêng cấp thị thực cho những người về hưu tự túc trong 3 đến 6 tháng có thể là chất xúc tác cho ngành du lịch phát triển mạnh", ông Gabor Fluit nói thêm.

Liên quan đến sức cạnh tranh của nên kinh tế, Việt Nam đang chịu những ràng buộc khó khăn về chế độ thuế suất tối thiểu toàn cầu (GMT). Để vượt qua trở ngại này, ông Gabor Fluit đề xuất Chính phủ triển khai các biện pháp khuyến khích đầu tư, bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.

Vị này cho rằng Việt Nam nên tính toán để việc xóa bỏ thuế nhập khẩu theo EVFTA không bị mất tác dụng do tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi nếu không sẽ làm suy giảm mục đích thúc đẩy thương mại song phương của hiệp định thương mại tự do.

Hàng loạt vấn đề từ các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được đưa ra thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Minh Trúc

Hàng loạt vấn đề từ các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam được đưa ra thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Minh Trúc

Hàng loạt đề xuất

Gắn với chủ đề của Diễn đàn, đại diện AmCham góp ý Việt Nam nên đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch và tái tạo, phát huy tối đa tiềm năng của nền kinh tế số và sáng tạo. Đồng thời, cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư, tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn, minh bạch và ổn định hơn.

“Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp tiếp cận năng lượng tái tạo. Hợp đồng mua bán điện trực tiếp là một cơ chế quan trọng để thu hút các nhà đầu tư không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong các lĩnh vực khác với cam kết của các công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon và phát triển bền vững”, ông Greg Testerman nói.

Amcham khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét thêm khung pháp lý phù hợp, dễ tiếp cận để cung cấp các dự án điện khí ngoài khơi, LNG, điện gió, điện mặt trời và hệ thống truyền tải chất lượng cao với nhu cầu vốn đáng kể từ thị trường quốc tế.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đưa ra 4 khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác hơn nữa với chính phủ Việt Nam trong tương lai.

Đó là Chính phủ cần sớm công bố chính thức Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn tiếp theo (Quy hoạch điện 8); sớm triển khai các dự án điện khí; sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp, qua đó thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham), Chính phủ cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất/nhập khẩu chuyển đổi sử dụng bao bì làm từ nhựa tái sinh sang nhựa nguyên sinh; cung cấp tín dụng carbon cho những doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến trung hòa carbon.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm