Doanh nghiệp Việt cần giảm khí thải carbon để giữ thị trường xuất khẩu

(PLO)- Hơn 90% nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp Việt vẫn chưa minh chứng được tính bền vững và cũng không được phân loại theo các yêu cầu của tiêu chuẩn ESG.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp thực hiện tiêu chuẩn xanh vượt rào cản của thị trường quốc tế tại sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero" nằm trong chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh thường niên do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 19-9.

Nhiều thách thức

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết hoạt động tăng trưởng xanh đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong thực tiễn. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gặp phải hàng loạt chính sách xanh tạo rào cản hạn chế xuất sang thị trường này.

Như tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) tới doanh nghiệp Việt có các mặt hàng xuất đi EU rất lớn. Bởi lẽ, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thải nhiều khí carbon ra môi trường như hóa chất hữu cơ, polyme (nhựa) và hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh trên hệ thống thương mại khí thải (ETS) của EU.

Nếu doanh nghiệp Việt không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường do rào cản về chi phí thuế và vấn đề uy tín. Chính sách định hướng và người tiêu dùng sẽ lựa chọn và loại bỏ dần các sản phẩm không trong danh mục xanh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì đang rất cần giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, bên cạnh thực hành đầy đủ các yếu tố ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) bao gồm cả trách nhiệm xã hội và các hành động bảo vệ môi trường.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải hàng loạt chính sách xanh tạo rào cản hạn chế xuất sang thị trường này. Ảnh: QH

Thế nhưng mức độ thực hành ESG với doanh nghiệp trong nước hiện nay còn khá thấp. Dẫn báo cáo của PwC về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022-2023, cho thấy dù có đến 80% doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới nhưng số lượng báo cáo ESG được công bố vào năm ngoái còn rất hạn chế. Nguyên nhân là lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp Việt chưa tham gia thúc đẩy thực hành các cam kết ESG.

Hầu hết doanh nghiệp Việt mới chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu thực hành ESG. Báo cáo phát triển bền vững 2023 của KPMG cũng chỉ ra rằng thực hành ESG tại doanh nghiệp ở Việt Nam có thay đổi nhưng vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể hơn 90% nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp vẫn chưa minh chứng được tính bền vững và cũng không được phân loại theo các yêu cầu của ESG. Hay mục tiêu cắt giảm lượng carbon của Việt Nam chỉ đạt 10%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia cùng khu vực.

Doanh nghiệp thay đổi để vượt rào cản

TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng doanh nghiệp cần hành động và việc thực hành ESG để hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về chính sách chuyển đổi xanh, thường xuyên cập nhật các chính sách xanh liên quan tới sản phẩm và dịch vụ. Doanh nghiệp cần chuẩn bị và hành động từ sớm, nhất là thực hành ESG; áp dụng ESG trong quản trị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực như vốn, công nghệ, kỹ thuật, nhân lực, quản trị…

Cụ thể doanh nghiệp Việt cần đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch năng lượng tái tạo. Liên kết với doanh nghiệp FDI để đáp ứng các chuẩn mực và vượt qua rào cản mới trong thương mại quốc tế. Việc hợp tác khoa học và công nghệ với các đơn vị nghiên cứu, chính sách và tích hợp xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt và sản phẩm với các xu thế thương mại và sản xuất toàn cầu.

Các chuyên gia góp ý bốn chìa khóa để mở cửa thị trường tài chính khí hậu bao gồm mở khóa quy định pháp lý, các dự án có thể vay vốn ngân hàng, giải pháp tài chính hỗn hợp và tăng năng lực của thị trường vốn. Ảnh: QH

Với Chính phủ và các cơ quan nhà nước, TS Nguyễn Quốc Việt kiến nghị cần cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời và ban hành hướng dẫn thực hiện các chiến lược chính sách chuyển đổi xanh. Cạnh đó, hoàn thiện khung chính sách về khử carbon như thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh. Nhà nước cần thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới