Ngày 16-8, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH hệ sinh thái Vos Holdings đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về tín chỉ carbon.
Dịp này, nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý đã chỉ ra lý do Việt Nam chưa bán được tín chỉ carbon giá cao cũng như góp ý giải pháp để thị trường tín chỉ carbon Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
Lý do chưa thể bán tín chỉ carbon giá cao
TS Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Kinh tế tài chính và Tài nguyên môi trường - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết để bán được tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện, mỗi quốc gia phải tạo ra lượng carbon dôi dư vượt mức cam kết tự nguyện của mỗi quốc gia (NDC).
Vấn đề quan trọng trong việc tham gia thị trường tín chỉ carbon là phải định giá được carbon. Quốc tế có 3 hệ thống đánh giá nhưng tại Việt Nam chỉ có thể sử dụng 2, đó là hệ thống trao đổi hạn ngạch và cơ chế tín chỉ carbon.
Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ TN&MT và một số bộ, ngành liên quan về việc phát triển thị trường carbon của Việt Nam.
“Tuy nhiên, hiện lộ trình mới xây dựng đến năm 2028 nhưng chỉ áp dụng cho thị trường trong nước. Còn thị trường giao dịch quốc tế, một hình thức tương tự thị trường chứng khoán, còn bỏ trống”- ông Nghĩa nói.
Theo TS Nghĩa, hiện có 3 nguồn tài chính chủ yếu cho tín chỉ carbon dựa trên các kết quả lâm nghiệp. Đó là thanh toán dựa trên kết quả (như nhà tài trợ), thị trường carbon tự nguyện và thị trường carbon tuân thủ.
Việt Nam chủ yếu tham gia thị trường carbon tự nguyện. Dạng này dễ tham gia nhất nhưng sẽ có thời gian định mức đánh giá. Nếu quá hạn thì hệ thống sẽ tự động đưa tín chỉ carbon về 0.
Còn về thị trường carbon bắt buộc, hiện nay Việt Nam chưa thể tham gia dù đây là thị trường giao dịch chính của nhiều quốc gia.
Ông Nghĩa cho rằng đây cũng là nội dung khiến nhiều bên liên quan lầm tưởng. Trong năm 2023, Việt Nam bán hơn 10 triệu tín chỉ carbon với giá 5 USD/tín chỉ. Nhiều người cho là thấp khi so với thị trường giao dịch hạn ngạch. Tuy nhiên, Việt Nam chưa thể tham gia thị trường này khi thiếu các ký kết song phương.
Kết lại vấn đề, chuyên gia về tín chỉ carbon cho rằng các quốc gia, bao gồm Việt Nam chỉ có thể bán tín chỉ nếu tạo ra lượng carbon dôi dư vượt qua mức cam kết tự nguyện của mỗi quốc gia.
Để 1 triệu ha lúa bán được tín chỉ carbon
Nhiều ý kiến tại buổi tọa đàm cũng đề cập đến đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Theo TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, hiện trạng cho thấy nhiều doanh nghiệp tham gia vào đề án này nhưng chưa thực hiện đúng thực chất.
Một số doanh nghiệp sử dụng sai thiết bị hoặc thậm chí “nói quá” về khả năng giảm phát thải của sản phẩm phân hữu cơ hoặc phân vi sinh mà họ cung cấp.
TS Hải cho rằng đây là những quan điểm không chính xác. Để tín chỉ carbon được xác nhận cần phải áp dụng một quy trình cụ thể, bao gồm đầy đủ các bước trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Hơn nữa, ông Hải chỉ ra rằng việc tham gia đề án 1 triệu ha chỉ với mục đích bán tín chỉ carbon là một cách hiểu sai lầm.
Ví dụ, để sản xuất 8 tấn lúa sẽ phát thải tương ứng 8 tấn carbon. Hiện nay, Bộ NN&&PTNT đang hợp tác với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để định giá tín chỉ carbon với mức giá 20 USD/tín chỉ carbon.
Nếu nông dân tuân thủ đầy đủ các quy trình, họ có thể giảm được 30% lượng phát thải, tương đương với việc giảm 2 tín chỉ carbon, mang lại lợi ích kinh tế là 960.000 đồng.
“Lợi ích kinh tế lớn nhất của đề án không chỉ nằm ở việc bán tín chỉ carbon mà còn ở việc giảm các chi phí đầu vào thông qua các quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu lúa giảm phát thải và tổ chức lại sản xuất trên quy mô lớn cũng mang lại giá trị thặng dư đáng kể” - TS. Hải nhấn mạnh.
Do đó theo TS Hải, điều quan trọng cần lưu ý là không nên tham gia vào thị trường carbon trong lĩnh vực lúa gạo bằng mọi giá. Thay vào đó, cần tập trung thực hiện đúng đắn và bền vững các quy trình sản xuất, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả người nông dân và nền kinh tế nông nghiệp.