Đội cầu đường của những lão nông ngoài 60 tuổi

Đã chín năm nay, hơn 100 lão nông ngày ngày miệt mài đi xây miễn phí những cây cầu cho người dân quê mình. Họ là thành viên của “Đội cầu đường từ thiện huyện Lai Vung”.

Già cũng phải sống có ích

Một ngày giữa tháng 5, tại công trường thi công cầu Mươn Kha Cạn (xã Định Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) từ sáng sớm đã rộn rã tiếng cười nói hòa lẫn tiếng trộn đá, trộn bê tông, sắt thép, tiếng búa đập chan chát vào nhau.

Người nhỏ nhất trong đội này đã qua tuổi 60, người lớn nhất cũng ngoài 80 tuổi. Ông Võ Văn Lộc (82 tuổi), đội trưởng đội cầu đường, nhớ lại cái thuở ban đầu đội được thành lập: “Cũng chín năm rồi (từ năm 2008), lúc đó thấy mấy cây cầu ở xã mình hư nhiều quá rồi, tui mới rủ mấy anh em trong xóm cùng đi xây lại cho nó tươm tất. Rủ vậy đó, ai ngờ mấy lão nông lại hứng thú thiệt, vác cuốc, vác xẻng đi mần. đội được lập ra từ đó”.

Ban đầu đội chỉ có vài chục lão nông tham gia. mọi người tự bỏ tiền túi, ai có bao nhiêu góp bấy nhiêu để xây lại những cây cầu đã hỏng. Do kinh phí vận động hạn hẹp cũng như kỹ thuật xây cầu đường còn hạn chế nên đội chỉ bắc cầu gỗ và cầu bê tông dưới 1,5 tấn. Cả đội chẳng có ai biết nhiều về xây dựng, toàn tự tìm tòi, tự góp ý, học hỏi lẫn nhau qua mỗi công trình. Dần dà khi đã có kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân khắp nơi, đội đã thực hiện bắc những cây cầu có trọng tải lớn, xe tải có thể qua lại dễ dàng.

Không chỉ bó hẹp trong xã của mình, cả đội còn rủ nhau đi qua những xã khác để làm. Mỗi lần xây xong một cây cầu, số lượng thành viên của đội cũng tăng theo vì mọi người thấy thích và xin gia nhập.

Các lão nông vẫn cần mẫn làm cho hết việc dù trời đã về trưa và nắng rát cả người để kịp hoàn thành cây cầu Mươn Kha Cạn. Ảnh: THANH TUYỀN

Đến nay cả đội có 115 thành viên đến từ nhiều xã khác nhau. Đội không bắt buộc mọi người lúc nào cũng phải có mặt. ai có sức thì cùng tham gia, ai làm nửa chừng mệt quá thì cứ việc nghỉ. “Vì đơn giản tụi tui thấy mình già nhưng miễn sao mình sống có ích, vậy thì cứ vui thôi chứ đắn đo làm chi” - một lão nông cười toe toét, nói về công việc mình đang làm.

Còn ông Lộc cười hiền từ: “Đó, cái lớn nhất mà tụi tui nhận được là mọi người cùng vui vẻ chứ còn gì hơn. Dân vui mà tụi tui cũng vui, đi tới đâu cũng có người dân ra phụ giúp”.

Niềm vui nhân đôi

Nhìn các lão nông đang hì hục sửa lại cây cầu Mươn Kha Cạn, bà Chính, người dân sống ở xã Định Hòa, ngồi nhớ lại những chuyện “cười ra nước mắt” về cây cầu này. Vì cầu quá hẹp nên có hai cha con trên đường về nhà, qua cầu không khéo đã rơi xuống sông, người dân xung quanh phải nhảy xuống cứu, chuyển đi bệnh viện gấp. Mỗi lần có đám cưới mà rước dâu qua cây cầu cũng khổ lắm vì sợ rớt xuống sông... Vậy nên khi nghe tin cầu được xây mới, bà Chính cùng mọi người háo hức lắm.

“Sửa lại cây cầu là niềm ước ao mà tui ấp ủ lâu rồi, một mình tui với mấy người hàng xóm thì làm gì đủ sức. Có mấy chú tới rồi như vậy thiệt mừng gì đâu. Thiệt không biết sao mà nói cho hết niềm vui của tui lúc này” - bà Chính nói.

Ông Lộc tâm sự ban đầu nhiều người dân cũng không tin tưởng vào tay nghề của mấy lão nông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên cũng sợ cầu xây xong chưa bao lâu đã sập. Nhưng thời gian đã chứng minh sự nhiệt tình, tâm huyết, cẩn trọng của các lão nông khi hơn 100 cây cầu được sửa chữa trong suốt chín năm qua vẫn vững chãi, là cầu nối giao thông cho người dân địa phương.

“Cách đây hai năm, tụi tui xây cây cầu Tắc Cây Me ở xã Tân Thành chỉ với 600 triệu đồng trong khi người ta tính lên tới 2 tỉ đồng mới làm được. Cầu đó người ta xây hai lần rồi mà lần nào cũng sập. Lúc tụi tui nhận thì nhiều người không tin tụi tui xây được đâu, vậy mà cuối cùng tụi tui tự nghiên cứu rồi làm được thiệt. Nó còn xài ngon lành đến tận hôm nay” - ông Lộc kể lại.

Ngồi nhìn ra cây cầu đang còn sửa chữa, ông Lộc buông lời: “Không biết sau này mình còn làm được bao nhiêu cây cầu nữa...”. Đáp lại lời ông Lộc, một lão nông cười hiền từ: “Thì cố làm đi, đến lúc mình nằm xuống không còn cây cầu nào cần phải sửa là yên tâm rồi…”.

Đại gia đình gắn bó

Các thành viên trong “Đội cầu đường từ thiện huyện Lai Vung” chia sẻ ngoài việc làm thiện nguyện, cùng chung quan điểm sống có ích cho xã hội thì đây cũng là nơi họ sinh hoạt với nhau như đại gia đình. “Ở cái tuổi của chúng tôi mà tìm được một cái hội để cùng sinh hoạt, nói vài câu chuyện đã là niềm vui lớn rồi. Mọi người ở đây chưa biết hết tên nhau đâu vì đội quá đông mà tuổi già thì nhớ có được nhiều đâu. Qua một vài mẩu chuyện là xích lại gần nhau rồi gắn bó hơn thôi” - chú Nguyễn Văn Phú tâm tình.

Thấy các lão nông làm việc hết mình, nhiều thanh niên trẻ trong xóm cũng ra phụ và miệt mài làm đến khi kết thúc công việc trong ngày. Ông Lộc cho biết người dân địa phương thấy vậy cũng ra giúp mỗi người một tay, có cả lực lượng thanh niên xung phong ở xã đến phụ giúp. “Có hôm cả đoàn hơn 60 người cùng làm mà chật hết cả con đường luôn đó. Mọi người tham gia nhiệt tình, đông vui lắm” - ông Lộc kể.

________________________________

Đội cầu đường của những lão nông ngoài 60 tuổi ảnh 2

Một người làm không nổi thì mọi người cùng góp sức để phụ nhau làm từ những công việc đơn giản nhất.  Ảnh: THANH TUYỀN

Miệt mài suốt chín năm, cả đội đã sửa chữa hơn 100 cây cầu ở nhiều xã thuộc huyện Lai Vung.

Một cán bộ thuộc UBND thị trấn Lai Vung cho biết đã phối hợp với đội làm cầu đường của những lão nông này để xây dựng năm cây cầu ở thị trấn và cảm thấy rất hài lòng, việc làm thiện nguyện của đội cũng đã góp phần thúc đẩy hạ tầng giao thông ở địa phương phát triển. “Các chú làm việc rất nhiệt huyết và có trách nhiệm, ai cũng đã lớn tuổi nhưng sức làm việc thì rất đáng nể” - cán bộ này nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm