Đội chuyên gia WHO thúc giục điều tra lại nguồn gốc COVID-19

Các thành viên nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện cuộc điều tra nguồn gốc dịch COVID-19 vừa rồi đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thống nhất phải tiến hành “giai đoạn nghiên cứu thứ hai”, hay có thể hiểu là cuộc điều tra thứ hai, báo Wall Street Journal đưa tin ngày 27-5.

Chợ hải sản Hoa Nam tại TP Vũ Hán bị đóng cửa vào tháng 1-2020. Ban đầu, các nhà khoa học  cho rằng dịch xuất phát từ nơi này nhưng hiện nhiều chuyên gia nghi ngờ giả thuyết này có thể không đúng.
Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Thời gian không còn nhiều

Các chuyên gia cảnh báo rằng thời gian không còn nhiều cho việc kiểm tra, nghiên cứu các mẫu máu và các manh mối quan trọng khác ở Trung Quốc (TQ) về thời điểm, địa điểm, cách thức đại dịch bắt đầu.

Các chuyên gia cũng cho biết họ đã kêu gọi Mỹ chia sẻ với WHO bất kỳ thông tin tình báo nào nhấn mạnh giả thuyết virus SARS-CoV-2 có thể tràn ra từ một phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán (TQ), tuy nhiên phía Mỹ chưa cung cấp. Theo thông tin WHO có được thì các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận xuất hiện ở Vũ Hán vào tháng 12-2019. Tuy nhiên, đầu tuần này, Wall Street Journal tiết lộ một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có thông tin tình báo rằng đã có ba chuyên gia làm việc tại Viện Virus học Vũ Hán bị bệnh và nhập viện với các triệu chứng giống nhiễm COVID-19 vào thời điểm tháng 11-2019, trước lúc TQ công bố các ca nhiễm đầu tiên cả một tháng.

Nói trên chương trình podcast (tập tin âm thanh hoặc video có thể tải về nghe) This Week của tạp chí Virology phát ngày 27-5, một trong các thành viên của đội chuyên gia WHO cho rằng bất kỳ cuộc kiểm tra nào với Viện Virus học Vũ Hán nên được thực hiện riêng rẽ với “giai đoạn nghiên cứu thứ hai”. Tuy nhiên, một chuyên gia khác lại cho biết ông không tin tưởng lắm về khả năng cuộc kiểm tra này sẽ mang lại điều gì mới.

Chuyên gia Marion Koopmans, một nhà virus học Hà Lan trong đội điều tra của WHO, bi quan rằng chuyện chứng minh một điều tiêu cực là không thể. Thậm chí, ông còn thừa nhận rằng “các chuyên gia có nguy cơ mất động lực với công việc cần phải hoàn thành”.

Đội điều tra của WHO đã ở TQ và Vũ Hán bốn tuần (trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay) cùng với một số nhà nghiên cứu TQ. Báo cáo điều tra được WHO công bố hồi tháng 3 nói virus có khả năng lan truyền từ dơi sang người, còn giả thuyết virus thoát ra ngoài do rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ không có khả năng”.

Một nguồn tin thân cận với đội chuyên gia WHO nói với đài CNN rằng báo cáo điều tra công bố hồi tháng 3 không nhận được nhiều sự chú ý của các chuyên gia toàn cầu. Theo nguồn tin này, việc thiếu tính kết luận trong báo cáo này có thể tăng thêm sức mạnh cho những lời kêu gọi TQ phải minh bạch hơn và kêu gọi đội chuyên gia WHO quay lại điều tra thêm.

Mỹ, Anh ráo riết kêu gọi WHO điều tra lại

Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây đang ráo riết kêu gọi WHO điều tra lại. Theo hãng tin Reuters, ngày 27-5, phái bộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc ra tuyên bố cho rằng báo cáo điều tra WHO công bố hồi tháng 3 “không đủ và không có kết luận”. Phái bộ Mỹ kêu gọi WHO thực hiện giai đoạn điều tra thứ hai, trong đó các chuyên gia độc lập phải được tự do tiếp cận dữ liệu và mẫu nghiên cứu ở TQ. Cùng ngày, ông Simon Manley, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, cho rằng cuộc điều tra giai đoạn 1 của WHO chỉ là khởi đầu của tiến trình chứ không phải kết thúc, giờ là lúc thực hiện giai đoạn 2 một cách minh bạch, có cả sự tham gia hợp tác của TQ.

Ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ông đã chỉ đạo các cơ quan tình báo “nỗ lực gấp đôi” điều tra và báo cáo cho ông trong vòng 90 ngày, báo cáo nên bao gồm các câu hỏi cụ thể cho TQ. Hiện tình báo Mỹ đang tập trung vào hai khả năng: Đại dịch bắt đầu từ việc con người tiếp xúc với động vật mang virus, hoặc virus thoát ra ngoài do tai nạn rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Theo ông Biden, ông muốn điều tra thêm vì hiện không có đủ chứng cứ có thể chứng minh cho bất kỳ một trong hai giả thuyết này. Theo báo New York Times, lời kêu gọi của ông Biden được nhiều nhà khoa học hoan nghênh.

Trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) diễn ra tuần này, ngày 26-5, TS Mike Ryan, Giám đốc Chương trình Khẩn cấp của WHO, nói tổ chức này đã tham vấn không chính thức với nhiều nước thành viên về khả năng tiến hành điều tra giai đoạn 2 và sẽ tiếp tục tham vấn trong vài tuần tới.

Hiện chưa có thông tin về thời điểm đội chuyên gia WHO sẽ quay lại TQ, tuy nhiên nguồn tin của CNN nói bất kỳ lần trở lại nào trong tương lai có thể sẽ gồm “trước mắt là các nhóm nhỏ hơn thực hiện các nghiên cứu cụ thể”. Một nhóm lớn hơn, giống như nhóm 17 chuyên gia quốc tế từng đến TQ hồi tháng 1, có thể sẽ sang sau đó.

Trung Quốc cáo buộc Mỹ “thao túng chính trị

Ngày 27-5, Đại sứ quán TQ tại Mỹ nói TQ ủng hộ “một cuộc nghiên cứu toàn diện đối với mọi trường hợp nhiễm COVID-19 được tìm thấy ban đầu trên toàn cầu và một cuộc điều tra toàn diện các cơ sở bí mật và các phòng thí nghiệm sinh học khắp thế giới”.

Họp báo ngày 27-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên đã lớn tiếng chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn điều tra lại nguồn gốc dịch COVID-19, báo New York Post đưa tin. Theo ông Triệu, Mỹ “không quan tâm đến thực tế và sự thực, hay quan tâm đến việc truy tìm nguồn gốc nghiêm túc theo khoa học”. “Một số người ở Mỹ nói họ muốn sự thực nhưng ý đồ thật sự của họ là thao túng chính trị” - ông Triệu cáo buộc.

Ông Triệu cũng kêu gọi điều tra trung tâm nghiên cứu y sinh ở Fort Detrick, bang Maryland (Mỹ) để xác định vai trò của Mỹ trong chuyện này: “Phía Mỹ nói mình muốn TQ tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế toàn diện, minh bạch, dựa vào chứng cứ. Chúng tôi muốn phía Mỹ cũng làm tương tự như TQ và ngay lập tức hợp tác với WHO về việc nghiên cứu truy tìm nguồn gốc, theo cách thức khoa học”.

Ông Triệu trước đây từng có phát ngôn cáo buộc Mỹ gây ra đại dịch. Nhớ lại hồi tháng 3-2020, ông Triệu từng nói có thể quân đội Mỹ mang virus đến Vũ Hán.•

3 là số trang đề cập đến giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm trong tổng số 313 trang báo cáo điều tra của WHO công bố hồi tháng 3. Dù đề cập giả thuyết này nhưng báo cáo kết luận là “cực kỳ không có khả năng”, mà “khả năng cao” là virus truyền từ động vật sang người.

 

Facebook cho phép các bài đăng nói virus do con người tạo ra

Theo CNN, Facebook hiện không còn áp dụng chính sách gỡ bỏ các ý kiến trên nền tảng của mình rằng virus do con người tạo ra.

“Trong bối cảnh đang có các cuộc điều tra về nguồn gốc dịch COVID-19 và từ tham khảo ý kiến các chuyên gia sức khỏe cộng đồng, chúng tôi sẽ thôi xóa các ý kiến rằng COVID-19 do con người tạo ra khỏi các ứng dụng của chúng tôi.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các chuyên gia y tế để nắm được đà tiến triển của đại dịch và sẽ thường xuyên cập nhật các chính sách của chúng tôi khi các sự kiện và xu hướng mới xuất hiện” - người phát ngôn Facebook gửi thông báo đến CNN cuối ngày 26-5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm