Đòi phi công đền chi phí đào tạo

Ngày 12-6, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) kiện ông Nguyễn Hồng Chiến, nguyên phi công của hãng này, để đòi hơn 55.000 USD (hơn 1,1 tỉ đồng) chi phí đào tạo.

Bỏ tiền tỉ đào tạo phi công

Theo án sơ thẩm, đầu năm 2013 Công ty Jetstar khởi kiện tại TAND quận Tân Bình (TP.HCM). Theo đó, công ty xác định ông Chiến làm việc từ tháng 9-1993 tại JPA. Tháng 6-2005, giám đốc có quyết định cho ông Chiến tạm nghỉ việc để đi đào tạo phi công thương mại tại Mỹ.

Sau đó hai bên ký hợp đồng thể hiện ông Chiến cam kết phục vụ cho JPA ít nhất 10 năm, trường hợp ông Chiến chấm dứt hợp đồng trước hạn phải bồi hoàn tối thiểu 10% tổng chi phí đào tạo. Đến năm 2010, ông Chiến tiếp tục ký hợp đồng và cam kết làm việc tại vị trí cơ phó dòng máy bay A320 trong thời hạn ba năm kể từ khi thực hiện chuyến bay mô phỏng đầu tiên. Nếu ông Chiến chấm dứt trước thời hạn sẽ hoàn trả toàn bộ chi phí đào tạo là khoảng 24.000 USD. Năm 2011, ông Chiến tiếp tục được cho đi đào tạo cơ trưởng...

Ngày 17-9-2012, ông Chiến nộp đơn xin thôi việc và thông báo sẽ nghỉ việc sau 45 ngày. Đầu tháng 10-2012, ông rút lại đơn vừa gửi, sau đó ngày 30-11-2012, ông nộp lại đơn xin thôi việc chính thức và thực tế ông cũng đã nghỉ làm việc từ ngày này.

Theo công ty, ông Chiến nghỉ việc như vậy là vi phạm hợp đồng và thời hạn báo trước nên yêu cầu ông bồi thường chi phí đào tạo phi công cơ bản, huấn luyện chuyển loại A329, huấn luyện nâng bậc lái chính và chi phí hành chính tổng cộng hơn 55.0000 USD.

Sơ thẩm: Phi công thua kiện

Phía ông Chiến thì cho rằng ông không nghỉ việc trái luật mà có báo trước 45 ngày. Đồng thời, tháng 12-2012 ông vẫn đi làm nhưng công ty không xếp lịch bay cho ông nên chính JPA chấm dứt hợp đồng trái luật với ông. Từ đó ông yêu cầu công ty phải trả trợ cấp thôi việc và tiền phép năm cho ông, tổng cộng 900 triệu đồng.

Xử sơ thẩm tháng 8-2013, TAND quận Tân Bình nhận định việc ông Chiến nghỉ việc vào ngày 30-11-2012 khi chưa đủ 45 ngày là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật. Từ đó tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì có căn cứ buộc ông Chiến phải bồi thường khoản tiền như đã nêu. Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông Chiến trong việc đòi công ty tiền phép năm khoảng 46 triệu đồng và chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Sau đó ông Chiến kháng cáo nói mình không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà có báo trước đúng luật và đòi công ty số tiền hơn 670 triệu đồng.

Phía công ty cũng kháng cáo vì không đồng ý trả tiền phép năm như phán quyết sơ thẩm.

Vẫn chưa có hồi kết

Tại các phiên phúc thẩm trước, vấn đề mâu thuẫn là chi phí đào tạo công ty đòi bồi thường có sự chênh lệch hơn 5.000 USD giữa cách tính của hai bên. HĐXX nhất trí với đề nghị của VKS để hai bên có thời gian đối chiếu lại cụ thể các khoản tiền, từ đó tòa có căn cứ xem xét cho toàn diện.

Tuy nhiên, đến phiên xử này vấn đề trên hai bên cũng chưa thống nhất. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Chiến yêu cầu hủy án vì cấp sơ thẩm thiếu thu thập chứng cứ về chi phí đào tạo. Còn phía công ty cho rằng việc không xếp lịch bay cho ông Chiến là vì an toàn hàng không, tâm trạng ông không tốt để làm việc... Đồng thời, công ty cũng không đồng ý hủy án vì cho rằng trong quá trình sơ thẩm đã xem xét đầy đủ các chứng cứ...

Do vụ án phức tạp nên tòa tạm nghỉ, đến ngày 19-6 tới sẽ tiếp tục phiên xử với phần phát biểu của VKS về vụ án này.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm