Mới đây, TAND TP.HCM đã mở lại phiên phúc thẩm vụ ông NĐT kiện Công ty TNHH Đồ gỗ Q. vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đây là phiên xử phải hoãn tới hoãn lui nhiều lần vì nguyên đơn một mực khiếu nại đòi thay đổi HĐXX phúc thẩm.
Bị cho nghỉ khi đang thử việc
Theo hồ sơ, ngày 1-3-2013, Công ty Q. nhận ông T. vào thử việc lái xe. Chưa đầy một tháng, Công ty Q. thông báo và ra quyết định cho ông T. nghỉ việc với hai lý do: Đổ xăng vào xe chạy dầu mà không biết nhận lỗi và báo giá vỏ xe Captival cao hơn giá ông tổng giám đốc mua. Sau khi nhận thông báo nghỉ việc, ông T. có yêu cầu được đối thoại nhưng không được chấp nhận.
Trong khi đó, ông T. trình bày khi vào làm việc ông không được công ty giao xe hay hướng dẫn sử dụng các thiết bị của xe. Công ty nói đi đổ xăng thì ông đi đổ, người bán xăng mở nắp bình dầu chứ không phải ông. Sau đó ông đã mang xe đi hút dầu pha xăng và đổ dầu mới vào để đảm bảo an toàn. Sở dĩ ông không nhận lỗi là vì vào thời điểm đó ông chưa biết là xe chạy dầu. Còn về việc báo giá vỏ xe, ông chỉ báo giá của hãng Chevrolet và cũng có đề xuất những người khác trong công ty tham khảo thêm giá thị trường. Không đồng ý với quyết định cho nghỉ việc của công ty nên ông đã khởi kiện yêu cầu tòa hủy quyết định này. Ông còn yêu cầu công ty phải có văn bản xin lỗi ông do tổng giám đốc trực tiếp ký tên, đồng thời bồi thường cho ông hơn 10 triệu đồng cùng với việc trả lương, phụ cấp cho những ngày ông không được làm việc tính đến ngày kết thúc vụ án.
Xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thạnh bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T. Theo tòa này, ông T. đã được đào tạo lái xe, thời gian thử việc ông thực hiện công việc không đạt yêu cầu nên bị cho nghỉ là đúng.
Giữa tháng 9-2013, ông T. kháng cáo. Ngoài yêu cầu như lúc khởi kiện thì ông còn nâng mức đòi bồi thường lên 78 triệu đồng. Trong quá trình tố tụng phúc thẩm, ông đã nộp đơn kháng cáo bổ sung nâng mức bồi thường lên hơn 125 triệu đồng (cho số ngày không được làm việc tăng thêm). Tại phiên xử mới đây, ngoài số tiền bồi thường nêu trên, ông còn đòi tính cả lãi suất trên số tiền chậm thanh toán. Tuy nhiên, dựa trên nhận định án sơ thẩm xử có căn cứ và yêu cầu kháng cáo không có cơ sở, HĐXX phúc thẩm đã quyết định giữ y án sơ thẩm.
Liên tục đòi thay đổi HĐXX
Điều đáng chú ý là suốt quá trình tố tụng tại cấp phúc thẩm, ông T. liên tục khiếu nại không chịu tham gia phiên tòa nếu HĐXX không chịu cam kết với ông. Cụ thể, trong một phiên xử trước đó bị hoãn, ông yêu cầu những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa gồm thẩm phán chủ tọa, hai thẩm phán thành viên, đại diện VKS và thư ký phải lập cam kết với ông là “xử vô tư, khách quan khi giải quyết vụ án này để không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Kế tiếp, ngay sau khi nhận thông báo đưa vụ án ra xét xử lại, ông lập hẳn một bản cam kết có tiêu đề “Tuân thủ và chịu trách nhiệm theo cam kết và theo pháp luật” gửi HĐXX phúc thẩm. Ông bắt từng thành viên phải ký tên và ghi rõ họ tên trong bản này. Theo đó, ông yêu cầu HĐXX cam kết nhiều nội dung, đại ý là nếu xử án theo ý chí chủ quan thì phải bị khai trừ Đảng (nếu là đảng viên) và bị cách chức... Bản cam kết như thế dĩ nhiên không được chấp thuận vì không đúng luật.
Tại phiên tòa mới đây chỉ có ông T. tham gia vì bị đơn đã có đơn xin phép vắng mặt. Ông T. lại lần nữa trình bày yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng vì chưa ký vào bản cam kết mà ông đã soạn thảo. Thế nhưng cho rằng đề nghị không có căn cứ, tòa đã công bố quyết định không chấp nhận yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng của ông T.
HOÀNG YẾN
Chỉ thay đổi khi có cơ sở Bộ luật Tố tụng dân sự quy định rất rõ về quyền của các đương sự trong việc yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng khi thấy họ có thể không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ với những bằng chứng rõ ràng. Đương nhiên yêu cầu thay đổi những người tố tụng chỉ được chấp nhận khi có cơ sở. Còn việc bắt HĐXX ký cam kết sẽ xét xử vô tư, khách quan là điều không có trong quy định nên không thể chấp nhận và áp dụng cho bất kỳ trường hợp nào. Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Các trường hợp bị thay đổi Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây: 1. Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự; 2. Họ đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó; 3. Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. (Theo Điều 46 Bộ luật Tố tụng dân sự) |