Đồng Nai có ‘bệnh viện không xếp hàng’

Hai tòa nhà A, B được xây dựng với tổng vốn gần 3.300 tỉ đồng, bên trong trang bị máy móc hiện đại cùng nhiều tiện ích không khác khách sạn năm sao. Giá dịch vụ y tế được xây dựng trọn gói với nhiều mức khác nhau. Các tiện nghi như thang cuốn, nhà vệ sinh dội nước tự động, máy lạnh phủ khắp, ghế ngồi chờ cỡ ghế sân bay… Đó là hình ảnh Bệnh viện (BV) Đa khoa Đồng Nai mới tầm cỡ khu vực Đông Nam Á sẽ chính thức đi vào hoạt động ngày 25-4 tới.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc BV Đa khoa Đồng Nai (ảnh), cho biết: Đây là mô hình BV được bố trí công năng theo hệ phòng khám liên hoàn.

Mô hình BV không xếp hàng

. Phóng viên: ông có thể giải thích rõ hơn?

Đồng Nai có ‘bệnh viện không xếp hàng’ ảnh 1
+ TS-BS Phan Huy Anh Vũ: Bắt đầu tại phòng phân loại, bệnh nhân nhiễm được chuyển lên xe vào ra tòa nhà theo lối riêng; bệnh nhân cấp cứu được chuyển vào hệ thống cấp cứu độc lập, tức luồng bệnh nhân cấp cứu và khám bệnh không trùng lẫn. Bệnh nhân cấp cứu được chụp X-quang, siêu âm riêng, tránh trường hợp lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân.

Đặc biệt, bệnh nhân khám bệnh ngoại trú được bố trí tập trung ở tầng trệt và lầu một. Như vậy cùng với hệ thống công nghệ thông tin và hệ thống tự động xếp hàng, lần đầu tiên BV áp dụng theo mô hình BV không xếp hàng.

Ngoài ra BV cũng được quy hoạch theo hướng để sau này sẽ hình thành những trung tâm trong lòng BV. Thí dụ, khối sản có những dãy phòng và phòng mổ riêng, sau này khoa Sản lớn mạnh sẽ tách thành trung tâm sản khoa có con dấu riêng. Cùng với đó, hệ thống BV trong ngày cũng được quy hoạch, có cả phòng mổ trong ngày.

Ngoài ra BV còn có các tiện ích khác như nhà dinh dưỡng, siêu thị, ngân hàng và cả bưu điện…

BV Đồng Nai mới đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng để chính thức đi vào hoạt động ngày 25-4. Ảnh: D.TÍNH

. Hiểu sao về BV không xếp hàng, thưa ông?

+ Thứ nhất, chúng tôi sử dụng hệ thống công nghệ thông tin tự động trong việc cấp số thứ tự và hiển thị lên màn hình LCD tại các khu vực chờ. Bệnh nhân được loa hướng dẫn vào phòng khám. Đối với các khu vực trả kết quả, BV sử dụng phiếu hẹn kết hợp với màn hình LCD hiển thị tên bệnh nhân. Đặc biệt là sự liên kết thông tin của bệnh nhân trong thanh toán và phát thuốc, giúp bệnh nhân cùng lúc thanh toán tiền khám và nhận thuốc.

. Cách làm này liệu có giảm thời gian chờ đợi?

+ Hiện nay một ca khám có xét nghiệm mất khoảng hai giờ thì khi BV mới hoạt động sẽ giảm xuống còn 1,5 giờ. Cái vướng là ở BHYT, bác sĩ phải ký tươi chứ không cho ký điện tử. Khi nào giải tỏa được vấn đề này thì thời gian sẽ giảm nhiều.

Công-tư lẫn lộn liệu có lạm dụng?

. Lâu nay việc xã hội hóa thường chỉ là bên liên kết đặt máy móc. Đồng Nai là nơi đầu tiên áp dụng xã hội hóa bằng xây dựng tòa nhà tư trên đất công. Điều này chưa có tiền lệ và liệu có sự lạm dụng?

+ Mô hình kết hợp công-tư (PPP) trong y tế là mô hình gần như đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, nó đem lại lợi ích là giảm tải và phát huy nguồn lực của cán bộ, nhân viên. ưu điểm nhất là có sự tách bạch, rõ ràng giữa công-tư.

BV mới gồm tòa nhà A, nguồn vốn do Nhà nước đầu tư. Tòa nhà B có nguồn vốn xã hội hóa. Việc quản lý như thế nào để không mang tiếng “lạm dụng” công-tư chính là ở khu vực này. Cuối cùng chúng tôi tìm ra công thức: BV góp vốn 40% theo thương hiệu và cải tạo cơ sở hạ tầng, còn lại là đối tác hùn. Vì sao phải 40%. Vì nếu BV nắm dưới 28% thì khi họp hội đồng quản trị không được phủ quyết, còn chiếm trên 51% thì nó trở thành BV nhà nước và không còn hấp dẫn nhà đầu tư. Với công thức này, mặc dù là BV công-tư nhưng việc điều hành BV chỉ có một giám đốc.

Trên thực tế, nhược điểm của xã hội hóa là nhà đầu tư cũng là người có quyền chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật nên dẫn tới vấn đề lạm dụng để tăng thu. Thế nhưng với mô hình công-tư PPP chỉ tập trung đầu tư vào các nhu cầu xung quanh việc điều trị như phòng ốc và các tiện ích khác (không đầu tư vào các kỹ thuật điều trị) nên bệnh nhân không bị ép phải làm này làm kia và họ có quyền từ chối.

. Bệnh nhân nghèo sẽ được đối xử như thế nào trong BV mới hiện đại này?

+ Như trên đã phân tích, tòa nhà A do Nhà nước đầu tư tập trung vào trang thiết bị, kỹ thuật khó… với 700 giường bệnh. Còn tòa nhà B cũng 700 giường, tập trung vào phòng ốc phục vụ nghỉ dưỡng và các tiện ích khác. Như vậy bệnh nhân nghèo hay giàu đều có thể hưởng dịch vụ như nhau ở tòa nhà A, khi nào họ có nhu cầu thì qua khu B.

Ngoài ra chúng tôi cũng đưa ra những gói dịch vụ để bệnh nhân chọn lựa. Thí dụ, đi sinh, bệnh nhân không có BHYT đóng trọn gói 5,4 triệu đồng, có BHYT đúng tuyến đóng trọn gói 4,7 triệu đồng và có BHYT trái truyến đóng 5,2 triệu đồng. Bệnh nhân không phải thắc mắc phòng ốc giá bao nhiêu. Trong quá trình điều trị, giả sử bệnh nhân bị nhiễm trùng phải điều trị kháng sinh thì phía BV chịu, bệnh nhân không phải đóng thêm tiền…

Giữ uy tín với bệnh nhân

Tại thời điểm 2005-2006, BV mất uy tín với bệnh nhân, bác sĩ chán nản vì không có thiết bị để điều trị nhưng chờ Nhà nước đầu tư thì phải mất 3-4 năm nữa. Do vậy xã hội hóa là con đường duy nhất nhưng phải minh bạch, rõ ràng. Nguồn vốn xã hội hóa được huy động từ cán bộ, công chức BV chứ không cho bên ngoài tham gia.

Năm 2010, dự án được Chính phủ cho phép đầu tư và BV được khởi công. Giai đoạn 1 (tòa nhà A) quy mô 700 giường, vốn Nhà nước đầu tư 2.000 tỉ đồng với quy mô 13 tầng lầu, hai tầng hầm gồm 41 khoa, phòng. Giai đoạn 2 (tòa nhà B) khởi công cuối năm 2012 với vốn đầu tư gần 1.300 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Công trình cao 18 tầng, một hầm với quy mô 700 giường bệnh. BV mới do một kiến trúc sư người Hàn Quốc thiết kế.

TS-BS PHAN HUY ANH VŨ, Giám đốc BV Đa khoa Đồng Nai

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị UBND TP.HCM hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. BV cũng chính thức ký với BV Trường Canh (Đài Loan) để đào tạo bác sĩ. Đồng thời, mời các giáo sư hàng đầu về để nâng cao chất lượng BV. Hiện nay BV đã làm được hầu kết các kỹ thuật BV hạng 1 như điều trị ung thư, CT, MRI hiện đại nhất Việt Nam, mổ ung thư, ngoại thần kinh…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm