Đốt bằng ĐH để câu like có bị xử lý gì hay không?

Clip do Nguyễn Tân - Ngọc Mai thực hiện

Ngày 21-8, trên trang Facebook của mình, H.X.H đã tuyên bố sẽ đốt bằng đại học nếu đủ 99 người ủng hộ. Theo đó, H.X.H cho biết, việc làm này nhằm thức tỉnh và thay đổi suy nghĩ về việc học đại học của phụ huynh, học sinh…

Phải đứng được trên chính đôi chân của mình

Trên facebook, nam thanh niên này viết: “Đa số chúng ta đang sai lầm cơ bản về việc học, đặc biệt là học đại học! Học mà không biết học để làm gì, học chỉ để thi đỗ, thi đỗ chỉ để lấy bằng”.

 Tấm bằng mà một bạn đòi đốt (ảnh trên facebook)

Chia sẻ của anh đã nhận được nhiều phản hồi của cộng đồng mạng, có ý kiến đồng tình như “Em ủng hộ anh, đó là anh đang làm chủ cuộc đời mình”- bạn có nick name T.G.Nguyễn viết. Còn bạn P.T.T.My thì bày tỏ: “Quan điểm của tôi là đốt hay không đốt không đủ thức tỉnh cái xã hội này khi mà các ông bố, bà mẹ vẫn quan điểm ít nhất thì phải có cái bằng đại học (…) Chừng nào mà các bạn học sinh vẫn chưa tự đứng được trên đôi chân của mình, ăn học vẫn dựa vào ba mẹ thì lời nói của ba mẹ vẫn là có trọng lượng nhất…”.
Trước đó, trên trang cá nhân của mình, bạn Đ.T.H cũng đã tuyên bố sẽ đốt hai tấm bằng tiếng Nhật của mình với chủ điểm “Đốt tấm bằng đi và học như chưa hề biết gì”.
“Mình quyết định đốt nó vì muốn truyền tải một thông điệp là “hãy học vì sự phát triển của bản thân”, đừng vì giới hạn nào đó mà hạn chế khả năng của mình”- Đ.T. H chia sẻ.

Việc đốt bằng đại học từng xôn xao trên mạng ở Trung Quốc. Năm 2010, Trịnh Khắc Phong - một cử nhân ngành tiếng anh ở Hồ Bắc cũng đã đốt tấm bằng của mình sau 5 năm không tìm được việc làm. Sự việc này nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng.

Sinh viên, cưu sinh viên nói gì? 

Lê Thị Thúy, sinh viên vừa tốt nghiệp trường ĐHKHXH&NV khẳng định: Việc đốt bằng theo tôi là hơi ngông! Tấm bằng để hợp thức hóa hồ sơ xin việc chứ không chắc đã đánh giá được năng lực thực sự của mỗi người.

Bạn nói: Ở một khía cạnh nào đó, hành động đốt và dọa đốt bằng của mọi người cũng có cái hay là sẽ khiến người khác suy ngẫm thêm về vấn đề học đại học nhưng mình không đồng tình.

Còn sinh viên Trương Huỳnh Ngọc Trinh (năm cuối trường ĐH Mở TP.HCM) cũng không đồng tình với chuyện đốt bằng. “Đốt đi tấm bằng coi như công sức 4 năm trời không còn gì cả. Thực sự mình nghĩ tấm bằng không quan trọng nhưng nó là phương tiện khi đi xin việc. Ít nhất, nó chứng tỏ mình được đào tạo ở mức độ như thế nào. Mình đồng tình với suy nghĩ của bạn đó nhưng không đồng tình với hành động đốt bằng đại học”, bạn Trinh chia sẻ.

Còn bạn Trần Minh Phương- sinh viên trường ĐH Dân Lập Văn Lang phản đối: Đó là hành động, suy nghĩ bất thường. Đâu phải cứ không tìm được việc làm hay không thỏa mãn điều gì đó như mong đợi là cứ mang nó đem đốt. Đó là kết quả của 4 năm học hành và rèn giũa, là công sức của ba mẹ đã nuôi nấng mình trong suốt những ngày còn ngồi ở giảng đường. Hãy nghĩ đến việc Ba Mẹ đã nuôi mình ăn học vất vả để kết thúc một chặng đường. Đốt bằng cũng chẳng thay đổi được gì! 

Đốt với mục đích phá hoại: Coi chừng bị tội
Việc đốt bằng là do lựa chọn của mỗi cá nhân, không phải ai cũng đồng ý với hành động trên. Tấm bằng đại học - đó không chỉ là một “tờ bìa cứng” công nhận một kết quả mà còn có giá trị gợi nhắc về một chặng đường. 

Dưới góc độ luật pháp, việc đốt bằng đại học sẽ bị xem xét như thế nào? Các chuyên gia pháp luật cho rằng “đó là quyết định của riêng họ nếu không nhằm vào việc thục hiện hành vi trái pháp luật”.

 
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM phân tích: Theo Luật giáo dục đại học, bằng tốt nghiệp là một trong những loại văn bằng giáo dục được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp. Khi đó, người được cấp văn bằng có toàn quyền quyết định việc sử dụng văn bằng của mình (trừ trường hợp thực hiện các hành vi trái pháp luật). Việc một người tự ý đốt bằng đại học của mình không vi phạm pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, đốt tấm bằng đại học là hành động tự phủ nhận quá trình học tập của cá nhân. Bản thân người đốt bằng đã tự hạn chế mình nắm bắt những cơ hội phát triển con đường học vấn vì không có những giấy tờ chứng nhận kết quả đại học. Trong xin việc cũng vậy, dẫu biết năng lực của bản thân mới là yếu tố quyết định nhưng một tấm bằng xác nhận học vấn cơ bản vẫn rất cần thiết.
Bên cạnh đó, đối với trường hợp đốt bằng đại học để phản đối sự kiện, chính sách của Nhà nước nếu nhằm mục đích phá hoại, xâm phạm an ninh quốc gia, chống chính quyền nhân dân thì tùy trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng trong Bộ luật Hình sự 1999 như tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội (Điều 86); tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 87); Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN (Điều 88)…
Còn luật sư Trần Hồng Phong- Đoàn luật sư TP.HCM thì nói: Về mặt cảm tính, tôi không đồng tình với việc ai đó đốt bằng đại học của mình vì bất kỳ lý do gì. Vì bất luận thế nào, bằng đại học trước hết là bằng chứng chứng minh quá trình học tập, phấn đấu và kiến thức của người được cấp bằng. Thứ nữa, bằng đại học còn là tài sản cá nhân, ít nhiều vẫn có giá trị, chẳng hạn như đi xin việc. Cho nên đốt bằng trước mắt là thiệt hại cho chính mình.
Về mặt pháp luật, thì hành vi đốt bằng đại học của chính mình không phải là hành vi phạm tội (trừ khi đốt bằng của người khác). Đúng hơn là chưa đến mức bị xem là tội phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm