Bi kịch cử nhân tiếng Anh đốt bằng đại học

Tốt nghiệp đã 5 năm mà không tìm được việc làm, Trịnh Khắc Phong, một cử nhân tiếng Anh ở Hồ Bắc, Trung Quốc quá bức xúc đã đốt cháy tấm bằng đại học, quay lại đoạn clip và post lên mạng. Một bi kịch của người trẻ trong thời đại toàn cầu hóa với quá nhiều bất cập.

Bi kịch cử nhân tiếng Anh đốt bằng đại học ảnh 1
Trịnh Khắc Phong

Một đoạn clip dài 1 phút 57 giây vừa được tung lên internet mấy ngày qua đã khiến giới trẻ Trung Quốc xôn xao bàn tán, một anh chàng cử nhân đã tự đốt bỏ tấm bằng cử nhân sau 5 năm tốt nghiệp mà vẫn không tìm nổi một việc làm nuôi sống được bản thân. Tự tay đốt bỏ tấm bằng đại học, mặc dù chỉ là một mảnh giấy nhưng nó chứa đựng biết bao nhiêu nỗ lực, cố gắng, mồ hôi nước mắt và cả hy vọng của chủ nhân cũng như gia đình, bè bạn Trịnh Khắc Phong, đó là nỗi đau, là sự túng quẫn của một người được ăn học nhưng lại không thể kiếm được công việc nuôi sống bản thân. Trịnh Khắc Phong tâm sự. Hành động đốt bỏ bằng cử nhân, một mặt là sự phản kháng tâm lý đối với nền giáo dục đại học còn quá nhiều bất cập, không trang bị cho sinh viên những kiến thức kĩ năng cần thiết để bước vào cuộc sống và công việc, mặt khác chính là tiếng kêu bất công, bất lực trước thực trạng cơ hội việc làm đã không chia đều cho tất cả mọi người. Một cử nhân tự đốt bỏ bằng đại học của mình trong điều kiện cơ hội việc làm ở các đô thị lớn đang ngày càng trở nên khó khăn hơn chưa hẳn đã phải xuất phát từ động cơ tự gây scandal, về bản chất đó chính là đỉnh điểm của sự bức xúc. Chỉ có điều, không biết anh chàng này đã nghĩ tới, quãng đường đời còn rất dài sau khi đốt bỏ bằng đại học rồi sẽ ra sao? Bức xúc nhất thời, nhưng mong xã hội có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề việc làm, thất nghiệp Chiều ngày 2/4, phóng viên đã gặp được anh chàng “người đương thời”, nhân vật trong tuần do các website và diễn đàn online Bắc Kinh bình chọn. Có vẻ ngoài khá điển trai, nhưng khi nhắc tới chuyện đốt bằng, Trịnh Khắc Phong trầm mặc một hồi, có lẽ anh đang xúc động. Phong cho biết, đoạn clip đốt bằng trên mạng là do chính anh tự quay. Phong còn lôi trong cặp ra cho phóng viên xem một số chứng chỉ, bằng cấp khác. “Đúng là em nhất thời bức xúc quá mới đốt bằng, nhưng em cũng muốn xã hội hiểu tâm trạng của những sinh viên sau khi tốt nghiệp là thất nghiệp như em.” Phong có cảm thấy một chút ân hận về những gì đã làm, nhưng thực tế tàn khốc khiến cậu lực bất tòng tâm, chính những khó khăn khi tìm việc đã khiến Phong bắt đầu trở nên tự ti. Chứng chỉ tin học, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và một số văn bằng khác Phong có được, theo đánh giá chủ quan của phóng viên thì đó còn là sự ngưỡng mộ của không ít sinh viên khác. Tuy nhiên, tất cả chỉ là đống giấy vụn trong mắt anh chàng sau 5 năm trời vật lộn, từ tiếp thị, bán hàng dạo cho đến bồi bàn, bảo vệ. Tất cả những công việc ấy cậu đều trải qua, nhưng Phong chỉ kiếm được khoảng 1000 tệ mỗi tháng, số tiền này không đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu, cuộc sống của cậu ngày một khó khăn hơn. Sau khi ra trường, Phong đến Quảng Châu và xin được một chân giáo viên hợp đồng. Đồng lương bèo bọt, giá cả chi tiêu lại đắt đỏ, thầy giáo trẻ vẫn kiên trì bám lớp, nhưng rốt cuộc mấy năm trời Phong vẫn không thể nào vào biên chế dù đã rất nỗ lực, cố gắng và khẳng định được mình. Tất cả chỉ vì Phong là con nhà nông dân, Phong không có tiền, và cũng chẳng quen biết ai.
Bi kịch cử nhân tiếng Anh đốt bằng đại học ảnh 2
Cử nhân Anh văn đi bán dạo, thu nhập vẫn không đủ sống.
Đến năm 2008, ngay cả cái xuất giáo viên tiếng Anh hợp đồng bèo bọt ấy cũng bị người ta gạt nốt để “nhét” người khác vào. Thất nghiệp, trở về quê nhà Phong tính làm ăn buôn bán, nhưng trong tay không có lấy một xu, làm gì bây giờ? Anh chàng cử nhân chấp nhận đi tiếp thị, bán hàng rong rồi bảo vệ…, nhưng những công việc này không mang lại cho cậu một cuộc sống cho ra sống. Ban ngày, Phong đi làm gia sư dạy thêm tiếng Anh, chiều tối anh đẩy xe hàng bán quà vặt cho học sinh trước cổng trường, bán sách báo, giày dép…Cũng vài lần Phong nộp hồ sơ xin vào các trường học trong vùng, nhưng không một nơi nào hồi âm. Sự im lặng lạnh lùng khiến Phong ngày càng co mình lại. “Khả năng tiếng Anh của em không phải là kém, em chỉ cần tìm được một công việc ổn định, mỗi tháng trừ tiền ăn, ở dư ra được khoảng 1000 tệ là hạnh phúc lắm rồi. Nhưng khó quá anh ạ!” Vẫn theo đuổi ước mơ đứng trên bục giảng và truyền lại niềm đam mê học ngoại ngữ cho lớp đàn em, nhưng xem ra điều này quá khó đối với anh chàng cử nhân đã đốt bằng đại học này.
Theo Bình Nguyên (Bee.net/ CRI)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm