Dự án 'dậm chân' vì vướng giải phóng mặt bằng

Nhiều vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các dự án đầu tư công nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư được lãnh đạo địa phương, các sở ngành, doanh nghiệp nêu lên tại hội thảo chủ đề "Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư" do UBND tỉnh Phú Yên cùng báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 18-12.

Khó tạo quỹ đất sạch 

Mở đầu hội thảo, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Phú Yên là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí địa lý thuận lợi, có điều kiện về đất đai đa dạng, phì nhiêu; hệ thống đường giao thông thuận tiện, có cảng hàng không kết nối với nhiều trung tâm lớn trên cả nước, rất phù hợp để đầu tư sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Thế, việc đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn có một số khó khăn nhất định khiến một số dự án đang triển khai chậm tiến độ, các nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào tỉnh còn ngần ngại.
"Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn nêu trên đến từ việc các quy định của pháp luật về đầu tư còn chồng chéo, chưa sát với thực tế, chưa điều chỉnh kịp các mối quan hệ phát sinh trong quá trình đầu tư", ông Thế nói.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nêu ra những vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch khiến địa phương khó thu hút đầu tư.

Vướng mắc lớn nhất được ông Thế nêu ra là công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư công nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KHĐT Phú Yên cũng thông tin khâu giải ngân vốn đầu tư công chậm hầu hết là do GPMBD. Hiện dự án nhóm A thì mới có tách dự án bồi thường GPMB thành dự án độc lập. Còn nhóm B, C thuộc thẩm quyền địa phương, công tác GPMB thực hiện sau có quyết định chủ trương đầu tư.
Ở các dự án nhóm B, C, các thủ tục điều tra, đo đạc kéo dài, khi triển khai thủ tục xong thì rất chậm. Đây cũng là vướng mắc của nhiều địa phương. Đất đai có tính lịch sử, phức tạp… dẫn đến công tác bồi thường khó khăn, nhất là đất không có nguồn gốc…
Khu đô thị phía Nam, công trình trong trung tâm TP cũng vướng GPMB, vì vậy cần phải nghiên cứu, có một dự án độc lập về GPMB là cần thiết. Khi có mặt bằng sạch, chắc chắn dự án triển khai nhanh hơn.
“Theo tôi, chúng ta phải có ứng xử như thế nào cho phù hợp, người dân và doanh nghiệp đều thuận lợi, có cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho vấn đề đất đai, khơi thông nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới" - ông Tiến nói.

Nên tách GPMB ra khỏi dự án đầu tư

Theo ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Phú Yên, cần có giải pháp để xử lý hài hòa quyền lợi ba bên gồm nhà nước, doanh nghiệp và chủ đất trong vấn đề GPMB. Nếu giao việc GPMB cho một doanh nghiệp chuyên về GPMB để doanh nghiệp tự thỏa thuận với chủ đất, người dân nhận tiền ngay thì sẽ rất nhanh.
"Sau đó doanh nghiệp tiến hành bàn giao, đấu giá, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi đem ra đấu giá thì nhà đầu tư sẽ tiếp cận đất sạch được nhanh hơn. Là doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn có doanh nghiệp chuyên về GPMB tự thỏa thuận với chủ đất, sau đó sẽ đấu giá đất" - ông Châu góp ý.

Ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Phú Yên cho rằng nên giao cho một doanh nghiệp chuyên về GPMB.

Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn mà TP.HCM gặp phải trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường hỗ trợ tái định cư (Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM), chia sẻ việc tách công tác GPMB ra khỏi sự án đầu tư đã được TP.HCM thực hiện 13 năm nay sau khi xin chủ trương của Chính Phủ.
“Bồi thường hỗ trợ tái định cư liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành và cuộc sống người dân. Để thực hiện được việc này cơ quan nhà nước phải đảm bảo sáu điều kiện và thống nhất chặt chẽ, có kế hoạch rõ ràng. Việc đền bù GPMB không chỉ phát triển dự án mà còn phải thẩm định xem cuộc sống người dân sau khi nhận đền bù có ổn định, phát triển chưa” – ông Thơ nói.

Năm 2020 có 1.000 dự án chậm do khâu mặt bằng

Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng Quốc tế Việt Nam, cho biết khó khăn trong GPMB là cản trở lớn nhất trong việc phát triển. Năm 2020, 1.800 dự án chậm tiến độ thì có 1.000 dự án chậm do khâu GPMB, 50% là tỉ lệ cao kỷ lục.

Ông Lộc tán thành việc tách GPMD thành dự án độc lập. Tuy nhiên, nó không phải là “đũa thần” giải quyết tất cả, mà còn ở việc sửa luật đất đai....

TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng dẫn một thống kê cho thấy, cứ 10 dự án thì có một nửa gặp khó khăn về các thủ tục liên quan mặt bằng. Các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn nhiều hơn các doanh nghiệp FDI song đây là bức xúc chung. Vì thế nhu cầu cải cách quy trình, thủ tục đất đai là rất lớn.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm