Phú Yên là tỉnh có vị trí địa lý và lợi thế đặc biệt về biển. Năm 2020, các địa phương vùng biển và ven biển đóng góp trên 75% tổng thu ngân sách với khoảng 3.800 tỉ đồng. Tỉnh này đang tập trung nguồn lực để phát triển đồng bộ và bền vững các đô thị ven biển, cảng biển, hạ tầng giao thông tương xứng với tiềm năng và lợi thế hiện có.
Để có cái nhìn tổng quan về chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Ông Thế cho biết để hiện thực hóa các đồ án quy hoạch, cần có một nguồn lực rất lớn và đòi hỏi phải có những đột phá trong cơ chế, tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư.
Bắt đầu từ quy hoạch, trọng điểm là kinh tế biển
. Phóng viên: Thưa ông, một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vừa qua, Phú Yên xác định sẽ tập trung khai thác nguồn lực phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển. Mục tiêu này đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
+ Ông Trần Hữu Thế: Phú Yên xác định khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên, để đẩy nhanh hội nhập và phát triển bền vững, là một trong sáu giải pháp đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 18-8-2021 và UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện.
Trong kế hoạch đặt ra mục tiêu tối thiểu phải thu hút được 95.000 tỉ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, gồm vốn đầu tư công khoảng 22.000 tỉ đồng, phần còn lại là vốn đầu tư từ tư nhân. Để làm được điều này, ngay từ đầu tỉnh đã xác định tập trung vào khâu làm quy hoạch thật tốt. Vừa qua, tỉnh đã mời hai đơn vị tư vấn quốc tế của Đức và Singapore để thực hiện 24 trên tổng số 33 chuyên đề quy hoạch tỉnh. Đến nay cơ bản đã hoàn tất đánh giá hiện trạng quy hoạch, mời nhiều đơn vị tài trợ quy hoạch cho tỉnh, từ các đô thị, các khu du lịch sinh thái đến quy hoạch sông, cảng biển…
Đặc biệt, tỉnh cũng đã hoàn tất công tác điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế phía nam Phú Yên đến năm 2040, đang trình Bộ Xây dựng thẩm định, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm nay. Đây là một khu vực có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút đầu tư của tỉnh, dự kiến chiếm trên 50% tổng giá trị thu hút đầu tư trên địa bàn các địa phương vùng biển và ven biển.
Toàn cảnh TP Tuy Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: QUỐC VŨ
Ông Trần Hữu Thế trao đổi cùng PV. Ảnh: VŨ CƯỜNG
Chúng tôi đã cùng UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng đề án liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa. Hiện Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc xây dựng đề án nhằm tạo điều kiện khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế này thành động lực của khu vực duyên hải Nam Trung bộ và từng bước khẳng định là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia thời gian tới.
Phú Yên xác định kinh tế biển là lĩnh vực thu hút đầu tư rất lớn, trong tổng số thu hút vốn đầu tư thì hơn 80% sẽ rơi vào Khu kinh tế phía nam. Các khu đô thị lớn, cảng biển, các hạ tầng giao thông và những hạ tầng đô thị lớn đều nằm dọc theo biển. Hiện nay, hầu hết khu vực này đều đã được quy hoạch một cách bài bản. Chắc chắn rằng các nhà đầu tư sẽ lựa chọn cho mình được khu vực phân khu để đầu tư vào tỉnh Phú Yên bài bản, bảo đảm định hướng chung và bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch. Hiện nay đã có một số nhà đầu tư lớn đang nghiên cứu, đăng ký đầu tư vào khu vực này.
Việc lập quy hoạch tỉnh lần này sẽ tích hợp tất cả quy hoạch ngành, khắc phục được những chồng chéo, những hạn chế, bất cập về quy hoạch trước đây, nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các ngành. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước cũng như tạo thuận lợi cho nhà đầu tư vào Phú Yên.
Tạo quỹ đất sạch, thu hút các nhà đầu tư lớn
. Phú Yên hiện chưa có các dự án tầm cỡ, mà muốn có dự án lớn thì phải có nhà đầu tư lớn. Một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư rất quan tâm chính là quỹ đất sạch, tỉnh tính toán vấn đề này như thế nào, thưa ông?
+ Đúng là hiện nay các dự án hiện hữu trong tỉnh chủ yếu là những dự án nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng quy mô nhỏ, chưa xứng với tiềm năng của tỉnh. Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, chúng tôi đã quy hoạch phát triển những khu vực hàng trăm hecta để mời gọi đầu tư những khu đô thị, đô thị sinh thái hiện đại ven biển.
Phú Yên rất cần phát triển những khu đô thị bài bản, đồng bộ, không chỉ là nơi để sinh sống mà còn là không gian đô thị, cảnh quan, dịch vụ, tiện ích đi kèm. Những dự án lớn với các nhà đầu tư lớn sẽ tạo ra những khu đô thị hoàn chỉnh về cảnh quan kiến trúc, có sự tương hỗ lẫn nhau về cả không gian sống, ngôn ngữ kiến trúc, môi trường…
Chúng tôi cũng đã mời gọi một số nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu để đầu tư. Bước đầu họ cũng đã có những nghiên cứu và đặt vấn đề với tỉnh để sắp tới có thể phát triển những khu đô thị phù hợp với tầm vóc của họ, bảo đảm các yếu tố của một khu đô thị bài bản, hoàn chỉnh và xứng tầm.
Liên quan đến việc tạo quỹ đất sạch, lâu nay khi thực hiện chỉnh trang đô thị, tỉnh vẫn tiến hành thu hồi đất, làm hạ tầng, đấu giá tạo quỹ đất sạch, tuy nhiên cũng không phải dễ. Hiện nay, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn là nút thắt khiến cho các dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
. Trung ương đang xây dựng đề án thí điểm tách bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Điều này sẽ mang lại thuận lợi gì cho Phú Yên trong việc triển khai thực hiện các dự án, thưa ông?
+ Theo dõi kỳ họp Quốc hội vừa rồi, chúng tôi nhận thấy những ý kiến đề xuất liên quan đến vấn đề này và cũng đang chờ Quốc hội thông qua. Do chúng tôi đi sau, rất mong có cơ chế, chính sách mới để có thể thu hồi đất để thực hiện quy hoạch một cách đồng bộ, bài bản, tránh trường hợp manh mún, rời rạc.
Không chỉ là đối với các dự án đầu tư công mà với các dự án đầu tư kinh doanh nếu được áp dụng cơ chế này sẽ tháo gỡ được nút thắt về bồi thường, giải phóng mặt bằng, giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư thực hiện theo quy hoạch. Tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế này, nhất là đối với các dự án đầu tư kinh doanh thì cần tính toán chặt chẽ các điều kiện đi kèm để bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
. Xin cám ơn ông.•
. Phú Yên đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm tạo sự phát triển đột phá. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn ngần ngại vì gặp nhiều vướng mắc khiến các dự án bị chậm, thậm chí không triển khai được. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này? + Trong thời gian qua, có một số vướng mắc về chính sách pháp luật khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án đầu tư. Một vướng mắc lớn là việc xác định giá trị nộp thêm vào ngân sách của các dự án đầu tư (giá trị mét khối) theo Nghị định 25/2020 của Chính phủ và Thông tư 06/2020 của Bộ KH&ĐT. Do cách tính theo thông tư chưa cụ thể nên tỉnh còn lúng túng trong cách xác định giá trị mét khối. Tuy nhiên, vừa qua Bộ KH&ĐT đã ban hành thông tư mới để tháo gỡ các vướng mắc này. Một vấn đề khiến đa số dự án bị chậm dù chủ đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính, đó là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Có rất nhiều dự án đã bồi thường được 90%, chỉ còn một vài hộ nhưng không thể bồi thường do người dân yêu cầu giá quá cao. Vướng mắc nằm ngoài thẩm quyền nên tỉnh cũng đã có báo cáo trung ương kiến nghị tháo gỡ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án trong thời gian tới. |