Đánh thức các dự án ở Phú Yên - Bài 3

Cụm công nghiệp “ngủ quên” vì luật và nghị định vênh nhau

Bỏ hoang, hoạt động cầm chừng hoặc doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư thì vướng quy định về cho thuê đất, từ đó dẫn đến hàng loạt cụm công nghiệp (CCN) trong tình trạng lay lắt, hoạt động không hiệu quả. Thực tế này đang diễn ra tại 27 CCN với quy mô hơn 1.000 ha của tỉnh Phú Yên.


Mới thành lập được 13/27 cụm công nghiệp 
Theo quy hoạch mạng lưới CCN tỉnh Phú Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có 27 CCN với tổng diện tích hơn 1.000 ha và được phân bổ tại tám huyện, thị xã. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 13 CCN với tổng diện tích hơn 458 ha nhưng mới chỉ có năm CCN đã được đầu tư hạ tầng hoàn toàn bằng vốn ngân sách, chưa có nhà đầu tư nào đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng trong các CCN.  

Nhiều cụm công nghiệp nằm im

Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam là doanh nghiệp Ấn Độ, đang là một trong những công ty sản xuất mía đường lớn tại Phú Yên. Doanh nghiệp này đang có nhu cầu thuê đất trong CCN Ba Bản, thuộc xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, Phú Yên để làm nhà máy sản xuất găng tay y tế.

Khi liên hệ với cơ quan chức năng tỉnh để đề nghị thuê đất làm nhà máy thì vướng quy định pháp luật nên hồ sơ thuê đất của doanh nghiệp này cả năm nay vẫn chưa được giải quyết. Theo Sở TN&MT, do công ty này chỉ thuê đất làm nhà máy sản xuất chứ không phải thuê đất để đầu tư hạ tầng CCN nên chưa thể giải quyết vì quy định pháp luật hiện nay chỉ cho tổ chức kinh tế thuê để đầu tư hạ tầng chứ không cho thuê đất để sản xuất. Theo đó, Công ty KCP Việt Nam muốn thuê đất để làm nhà máy sản xuất thì phải thuê lại từ doanh nghiệp trước đó đã thuê đất của Nhà nước và đã đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh toàn CCN.

Việc đầu tư hạ tầng vào Cụm công nghiệp Ba Bản, thuộc xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) còn nhiều khó khăn. Ảnh: VŨ CƯỜNG 

Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, trao đổi cùng PV tại Cụm công nghiệp Ba Bản. Ảnh: VŨ CƯỜNG

Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết CCN Ba Bản là CCN duy nhất tại huyện được đầu tư hạ tầng bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do ngân sách hạn chế nên hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh hạ tầng trong toàn CCN này. “Hiện nay mới chỉ đầu tư đường giao thông, còn hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý nguồn nước thải đảm bảo quy chuẩn trước khi xả ra môi trường thì do vốn đầu tư quá lớn, nguồn kinh phí của huyện còn khó khăn nên không thể đầu tư. Trong khi đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng vào đây là rất khó” - ông Bắc nói.

Ông Bắc cũng cho biết thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu muốn thuê đất trong CCN này để sản xuất nhưng vướng quy định pháp luật nên không thể vào, trong khi CCN thì bỏ không.

Cũng theo chủ tịch huyện Sơn Hòa, Nghị định 68/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN có cho phép các tổ chức, cá nhân đầu tư vào CCN thuê đất của Nhà nước. Tuy nhiên, huyện cũng không thể giải quyết cho thuê vì trái với quy định của Luật Đất đai 2013.

Theo báo cáo của UBND huyện này, trong mạng lưới quy hoạch CCN tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì huyện này có ba CCN với tổng quy mô gần 140 ha. Đó là các CCN Ba Bản tại xã Sơn Hà (74 ha), CCN Vân Hòa, xã Sơn Xuân (50 ha) và CCN Kiến Thiết tại xã Ea Chà Rang (15 ha).

Chủ tịch huyện Sơn Hòa cho biết trong ba CCN, hiện nay mới chỉ có CCN Ba Bản đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đây cũng là một trong những CCN đã được quy hoạch đầu tiên tại huyện này từ đầu những năm 2000, ban đầu chỉ có 7 ha, sau đó được mở rộng thành 67 ha.

Ông Bắc cho biết dù được quy hoạch từ lâu nhưng đến nay cũng mới chỉ có chín doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động với số vốn dự kiến ban đầu hơn 100 tỉ đồng. Do thiếu ngân sách đầu tư hạ tầng, trong khi doanh nghiệp không mặn mà khi đầu tư hạ tầng nên gần 100 ha đất của hai CCN còn lại vẫn đang bỏ hoang.

Luật và nghị định chưa thống nhất

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, cho biết không chỉ riêng các CCN tại huyện Sơn Hòa nêu trên mà tất cả CCN trên địa bàn tỉnh đều hoạt động èo uột, không hiệu quả vì vướng quy định hiện hành.

Giám đốc Sở TN&MT cho biết sở dĩ tỉnh chưa giải quyết hồ sơ thuê đất của Công ty KCP vì giữa quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 68/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN còn có độ vênh nhau.

Cụ thể, theo Điều 149 Luật Đất đai 2013, Nhà nước cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, CCN, khu chế xuất… Sau đó, các tổ chức kinh tế này sau khi đầu tư hạ tầng xong thì được cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác thuê lại.

“Luật Đất đai 2013 chỉ cho tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thuê đất, chưa có quy định về trường hợp cho tổ chức, cá nhân thuê đất trực tiếp trong CCN để sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất để xây dựng nhà máy phân bón hay chế biến hạt điều… trong các CCN thì tỉnh không cho thuê được. Hiện có năm doanh nghiệp đã đặt vấn đề từ hai năm nay nhưng vẫn chưa thể xử lý được” - Giám đốc Sở TN&MT cho biết.

Trong khi đó, Điều 23 Nghị định 68 lại cho phép các tổ chức, cá nhân đầu tư vào CCN có thể trực tiếp thuê đất của Nhà nước hoặc của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng để sản xuất trong CCN. “Thực hiện theo nghị định này thì trái với Luật Đất đai nêu trên nên tất cả CCN trên địa bàn tỉnh hiện nay đều gặp vướng” - ông Ngọc Anh nói.

Giám đốc Sở TN&MT cho biết mới đây, tỉnh Phú Yên đã có báo cáo kiến nghị trung ương sửa đổi Điều 49 Luật Đất đai 2013 theo hướng cho phép các cá nhân, tổ chức được thuê đất trực tiếp từ Nhà nước hoặc các thuê lại từ các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng để gỡ thế khó này.•

Khó xem xét chủ trương đầu tư các dự án

Thực tế hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân muốn đầu tư trực tiếp vào các CCn trên địa bàn tỉnh để hoạt động sản xuất, kinh doanh do quy hoạch đã có sẵn. Tuy nhiên, do pháp luật về đất đai chỉ quy định nhà nước cho tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thuê đất. Sau đó cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê lại đất để sản xuất, kinh doanh trong CCN nên đã khi xem xét chủ trương đầu tư đối với các dự án này cũng gặp vướng mắc. Nếu vướng mắc này không được tháo gỡ thì rất khó thu hút đầu tư vào các CCN hiện nay.

Ông VÕ ĐÌNH TIẾN, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm