Dự án 'treo' 20 năm không thấy mỏi ở Đà Nẵng

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng, ngày 24-8, đã nói như trên.

Tại đây, ông Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết việc triển khai Dự án Khu đô thị ĐH Đà Nẵng (khu vực Hòa Quý – Điện Ngọc) đang gặp rất nhiều vướng mắc.

Giám đốc ĐH Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ nói về những vướng mắc khi triển khi Dự án Khu đô thị ĐH Đà Nẵng.

Theo ông Vũ, ngay sau khi làm việc với Thủ tướng, nhà trường đã làm việc với UBND TP Đà Nẵng và Quảng Nam để lên khái toán sơ bộ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân nằm trong quy hoạch dự án là hơn 3.400 tỉ đồng. Đồng thời có báo cáo sơ bộ đề xuất chủ trương đầu tư dự án gửi Bộ GD&ĐT và Bộ KH&ĐT với tổng mức đầu tư là hơn 8.600 tỉ đồng.

Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Bộ KH&ĐT về việc bố trí vốn, trong đó đề nghị bố trí hơn 3.700 tỉ đồng (tổng số vốn giai đoạn 2018-2020) để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phía Đà Nẵng, xây dựng Trung tâm điều hành và xây dựng ĐH Việt – Anh.

“Tuy nhiên, đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp do quy hoạch treo đã nhiều năm. Hơn nữa, dự án liên quan đến nhiều Bộ, ngành và hai địa phương nên thủ tục đầu tư tương đối phức tạp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. ĐH Đà Nẵng đã thành lập Ban Chuẩn bị dự án đầu tư nhưng các cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm nên tiến độ triển khai dự án còn chậm” - ông Vũ nói về những vướng mắc.   

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định, Dự án Khu đô thị ĐH Đà Nẵng được Chính phủ, TP Đà Nẵng hết sức quan tâm. “Thế nhưng, dự án đã “treo” 20 năm mà vẫn không thấy mỏi. Với cách làm của nhà trường hiện nay thì liệu có đến đích được không? Cái này ta phải thẳng thắn. Phải có đề xuất để TP có trách nhiệm nhất định cùng với các đồng chí thực hiện” – ông Nghĩa đặt vấn đề. 

Nói về việc này, đại diện Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết TP vừa có buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng. Qua đó, đề nghị nhà trường sớm thành lập ban chỉ đạo dự án cũng như xúc tiến các thủ tục trình các Bộ, ngành, Chính phủ về chủ trương đầu tư cho dự án.

Về công tác đền bù, giải tỏa, Sở TN&MT cho biết khi dự án được Chính phủ phê duyệt, Sở sẽ ngồi lại với Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam để cùng thống nhất việc đền bù, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân tại khu vực giáp ranh.

“Trên phạm vi dự án có gần 500 ngôi nhà với diện tích khoảng 71 ha. Qua khảo sát khu vực dự án, số khái toán giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP Đà Nẵng khoảng 1.100 tỉ đồng. Nếu chúng ta để kéo dài nữa thì con số này sẽ tăng lên” – vị này nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ĐH Đà Nẵng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, dù ĐH Đà Nẵng đã nỗ lực nhưng tiến độ của dự án còn quá chậm. “Bắt đầu từ tháng 2-2017 đến nay đã gần hết tháng 8-2018 nhưng chúng ta mới chỉ đi được một phần rất nhỏ chặng đường, còn rất nhiều việc phải làm” – ông nhìn nhận.  

Nói về giải pháp, ông Dũng đề nghị ĐH Đà Nẵng chủ trì triển khai xây dựng một kế hoạch tổng thể để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Cạnh đó, cần thay đổi hình thức hợp tác với các cơ quan để cùng với Đà Nẵng, Quảng Nam có sự trao đổi thông tin liên tục, hỗ trợ lẫn nhau. Tổ chức thi công theo phương pháp cuốn chiếu, giải phóng đến đâu xây nhà đến đó thì mới kịp tiến độ.  

“Chúng ta mất hơn 20 năm cho dự án này rồi. Giờ phải rút kinh nghiệm để làm cho tốt chứ lúng túng thế này thì không bao giờ xong được. Đặc biệt nguồn vốn coi như Chính phủ đã có ý định giải quyết cho chúng ta rồi. Nếu không tranh thủ nguồn vốn này thì chắc chắn 2019 chúng ta sẽ lỡ cơ hội” – ông nói.

Kết thúc buổi làm việc, Bí thư Nghĩa đề nghị ĐH Đà Nẵng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan của 2 địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án. “Phải có quyết tâm cao để triển khai dự án này, nếu làm đối phó, cầm chừng thì chúng ta sẽ có tội với tương lai” – Bí thư lưu ý.  

Dự án Làng đại học Đà Nẵng được triển khai từ năm 1997, trên tổng diện tích gần 300 ha. Trong đó, gần 190 ha thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) và 110 ha thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

Dự án có tổng kinh phí đầu tư dự kiến là 1.700 tỉ đồng (giá thời điểm năm 1997) và sẽ giải tỏa 2.000 hộ dân (cả Quảng Nam và Đà Nẵng). Dự án “treo” hơn 20 năm qua đã khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho tái khởi động lại dự án này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm