Dự kiến có hai hợp tác xã đầu tiên đạt LocalGAP.

Chiều 12-12, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), Dự án HVNCLC Chuẩn hội nhập tổ chức hội nghị giao lưu trực tuyến với tổ chức tiêu chuẩn GlobalGAP; ký kết hợp tác với tổ chức đánh giá chứng nhận toàn cầu Bureau Veritas trong đánh giá, cấp chứng nhận LocalGAP cho các hợp tác xã.

Đại diện GlobalGAP Việt Nam cho biết, người tiêu dùng thế giới ngày càng có nhu cầu dùng thực phẩm chất lượng được tạo ra một cách an toàn bền vững. Các nhà bán lẻ toàn cầu  đáp ứng các yêu cầu đó bằng cách áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Trong đó, họ yêu cầu các nhà sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm được sản xuất an toàn và đạt chứng nhận.

Bước đệm cho nông sản Việt ra thế giới khi thực hiện tiêu chuẩn LocalGAP. Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy nhiên, nhà bán lẻ có nguồn hàng bị hạn chế vì những nông dân sản xuất quy mô nhỏ hoặc mới tham gia vào sản xuất nông nghiệp có thể chưa đạt chứng nhận GlobalGAP hoặc chưa tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP). Người nông dân vẫn muốn bán hàng ở thị trường nội địa trong khi chưa tuân thủ các tiêu chuẩn chứng nhận.

Do đó, LocalGAP là một công cụ để nâng cao năng lực sản xuất; định hướng, hỗ trợ nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để cải tiến hệ thống quản lý trang trại, giảm thiểu rủi ro về ATTP. Đây là bước đệm cho người nông dân có nhu cầu đạt chứng nhận GlobalGAP.

Theo đại diện GlobalGAP Việt Nam, LocalGAP đòi hỏi các tiêu chí ở mức độ cơ bản. Chẳng hạn, để đạt chứng nhận GlobalGAP phải đảm bảo các tiêu chí quan trọng như truy xuất nguồn gốc; an toàn sức khoẻ của người lao động; an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường bền vững. Đối với LocalGAP người nông dân có thể đảm bảo một số tiêu chí truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết, LocalGAP là bước trung chuyển giữa tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn quốc tế Global GAP; được xây dựng bởi Hội DN HVNCLC và GlobalGAP để tạo thuận lợi cho nông trại nhỏ, nhóm chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam, có thể tham gia xuất khẩu.

Theo bà Hạnh, Hội sẽ hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn LocalGAP gồm hỗ trợ 30% chi phí, địa phướng hỗ trợ 30% và các HTX tư trang trải phần đối ứng.

Năm 2019, có hai HTX sản xuất lúa và trồng nhãn ở Đồng Tháp được tư vấn và dự kiến trong năm nay được cấp giấy chứng nhận LocalGAP. 

“Với uy tín toàn cầu của GlobalGAP chương trình xây dựng tiêu chuẩn LocalGAP sẽ nâng sức cạnh tranh của nông sản Việt cũng như cấp “thị thực” cho nông sản Việt ra nước ngoài” bà Hạnh nói.

Cổng thông tin chuẩn hội nhập kết nối cổng thông tin tiêu chuẩn của thế giới. Ảnh:TÚ UYÊN

Bốn năm qua, Hội DN HVNCLC đã xây dựng chương trình xúc tiến hỗ trợ DN về tiêu chuẩn HVNCLC Chuẩn hội nhập, đến nay có 164 DN thực phẩm và phi thực phẩm đạt chứng nhận.

Dịp này, https://vnprogis.com cổng thông tin Chuẩn hội nhập được ra mắt nhằm trực tiếp kết nối với các cổng thông tin tiêu chuẩn của thế giới cũng như để cho các sản phẩm của Việt Nam được giới thiệu chính thức. Và những nhà mua lẻ thế giới tìm được những DN đạt chuẩn hội nhập.

Theo bà Hạnh, ví dụ khi người nông dân đạt chứng nhận LocalGAP sẽ có mã số riêng gồm 13 kí tự, mã số này xuất hiện trên cổng thông tin của GlobalGAP hay https://vnprogis.com.

Khi người mua hàng quốc tế truy trong dữ liệu biết đây là đơn vị được GlobalGAP chứng nhận, là tấm giấy thông hành đầu tiên về sự tin cậy để họ mua hàng.

Hiện tại, cổng thông tin đã cung cấp thông tin của 24 DN là nhà cung cấp đạt chuẩn hội nhập.

Thời gian tới trên cổng thông tin này, Hội sẽ truyền tải các bài huấn luyện cho doanh nhân và nông dân về chuyển đổi số; chia sẻ thông tin về thị trường; khuyến khích làm ăn tử tế...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới