‘Du lịch trách nhiệm’: Nỗ lực không chỉ từ doanh nghiệp

Trước đó, mô hình này cũng đã được triển khai tại TP.HCM. Vấn đề đặt ra TP.HCM làm gì để phát triển du lịch trách nhiệm không chỉ là khẩu hiệu mà là trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức.

“Để phát triển du lịch một cách bền vững, có trách nhiệm thì hành động phải cụ thể, mỗi người dân, doanh nghiệp (DN)… tham gia cung cấp dịch vụ du lịch phải có hành động cụ thể, không xem đây là chuyện riêng của DN, của chính quyền. Riêng ở góc độ chính quyền, ngành du lịch tạo điều kiện thuận lợi để tạo cho xu hướng phát triển du lịch trách nhiệm được hình thành ở TP.HCM” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhận định.

Môi trường còn ô nhiễm, giao thông cần cải thiện

. Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá gì về những chia sẻ của Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương, chuyên gia tư vấn và đào tạo Elevated (Singapore)?

+ Ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Chúng tôi đánh giá cao sự chia sẻ từ các chuyên gia với một sự chuẩn bị công phu và thấu hiểu ngành du lịch TP.HCM. Có những ý kiến thẳng thắn đánh giá đúng thực trạng, điểm yếu của du lịch TP.HCM. Đó là cách tổ chức du lịch chưa chuyên nghiệp, ví dụ môi trường còn ô nhiễm, giao thông cần cải thiện, các sản phẩm phải được nâng chất nhiều hơn…

. TP.HCM đã phát triển du lịch trách nhiệm từ trước, việc này có gặp khó khăn không, thưa ông?

+ Du lịch trách nhiệm là xu hướng, từ nhận thức đến hành động cụ thể cần có thời gian, cần sự đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng, đơn vị, người dân. Xu hướng du lịch trách nhiệm đã hình thành và phát triển ở TP.HCM nhưng cần tổ chức nhịp nhàng hơn để đạt hiệu quả hơn. Chẳng hạn, việc tổ chức các tour, tuyến gắn với nông thôn của TP với du lịch sinh thái hay một ngày làm nông dân, home stay… tôi thấy có sức hút nhất định. Cần làm sao để giúp người dân tổ chức mô hình du lịch này hoạt động chuyên nghiệp nhưng không phá vỡ không gian văn hóa, cuộc sống của người dân nơi đó.

Du khách nước ngoài thích thú trên đường phố TP.HCM. Ảnh: HTD

Tạo nhiều hoạt động cuối tuần để tạo giá trị gia tăng cho du khách

. Vậy TP.HCM tiếp tục với du lịch trách nhiệm như thế nào, thưa ông?

+ Du lịch trách nhiệm là xu hướng các quốc gia trên thế giới đã và đang phát triển, TP.HCM cũng tổ chức các hoạt động của mình theo hướng phát triển du lịch trách nhiệm. Tổ chức làm sao có trách nhiệm với lịch sử, môi trường, cộng đồng dân cư, có trách nhiệm phát triển kinh tế nhưng phải bảo vệ môi trường.

Năm 2017, TP.HCM sẽ tổ chức các hoạt động một cách chuyên nghiệp, có lộ trình, bước đi cụ thể. Sẽ tập trung vào một số dòng sản phẩm:

- Thứ nhất là quy hoạch xây dựng đề án phát triển du lịch đường thủy.

- Thứ hai là tập trung nâng chất, cải thiện điểm đến; đối với khối bảo tàng, di tích, chúng tôi đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường thêm tương tác cho du khách, cung cấp nhiều thông tin ngôn ngữ cho du khách.

- Thứ ba là tổ chức nhiều đợt kích cầu, đặc biệt là chương trình khuyến mãi, để TP trở thành trung tâm mua sắm cho du khách trong và ngoài nước. Tổ chức nhiều loại hình hoạt động thường kỳ vào cuối tuần để tạo thêm giá trị gia tăng cho du khách khi đến TP. Chắc chắn trong năm 2017, phố đi bộ Nguyễn Huệ vào thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần với không gian biểu diễn của các nhóm nghệ thuật đường phố cùng hoạt động giao lưu của các câu lạc bộ, đội, nhóm trong khu vực ASEAN, tổ chức những lễ hội gắn với thương hiệu du lịch TP.HCM. Hội chợ du lịch, liên hoan trái cây Nam Bộ... sẽ là những giá trị cộng thêm thu hút du khách. Bên cạnh đó còn chú trọng công tác đào tạo nhân sự.

Người dân phải cởi mở như Thái Lan

.Du lịch trách nhiệm giúp nâng cao đời sống người dân. Ngành du lịch TP có chiến lược nào để người dân thấy được lợi ích họ hứng thú tham gia, thưa ông?

+ Lợi ích ở đây là lâu dài, du lịch trách nhiệm mang tính chia sẻ nhiều hơn, hướng đến sự bền vững. Chẳng hạn đối với các làng nghề, họ phải chịu đầu tư cùng chính quyền để giải quyết trước mắt về vấn đề môi trường. Có thể trước mắt ta thấy họ giảm lợi nhuận đi nhưng đây là sự đầu tư tương lai, sẽ là điểm đến hấp dẫn. Ví dụ, khách thấy môi trường xử lý tốt thì họ tiếp tục đến, người dân duy trì được nghề của mình, bán được sản phẩm bền vững và ngày càng gia tăng hơn.

Một kinh nghiệm của Thái Lan, họ nói cho người dân hiểu rằng kinh tế Thái phát triển, nguồn thu quốc gia có đóng góp quan trọng từ du lịch. Do đó, chúng ta không lạ gì khi tất cả người dân Thái Lan đều cởi mở với du khách… TP.HCM cũng cần làm như vậy để người dân thấy rằng 10% GDP của TP có đóng góp của du lịch, từ đó họ cùng chính quyền làm du lịch tốt hơn.

. Xin cám ơn ông.

Ông TRẦN VĨNH TUYẾN,  Phó Chủ tịch UBND TP.HCM:

Người dân hưởng thụ những thành quả từ phát triển du lịch

‘Du lịch trách nhiệm’: Nỗ lực không chỉ từ doanh nghiệp ảnh 2

Không chỉ riêng TP.HCM tập trung phát triển du lịch, xem du lịch là mục tiêu tăng trưởng mà thế giới chọn năm 2017 phát triển du lịch bền vững. Năm nay TP chọn xây dựng phát triển theo hướng bền vững có trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây không vì lợi nhuận không mà vì sự phát triển chung của TP. Trong đó, du lịch trách nhiệm gắn với truyền thống văn hóa-lịch sử, gắn với giữ gìn môi trường. Đặc biệt, điểm mới năm nay là phát triển du lịch gắn với trách nhiệm cộng đồng, chính quyền TP.HCM có nhiệm vụ kiến tạo kết nối các DN, các địa phương và người dân trong xây dựng những sản phẩm du lịch. Ví dụ, du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, du lịch gắn với nghỉ dưỡng, có những sản phẩm đạt tới trình độ khu vực để thu hút khách quốc tế. Và phối hợp chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực để tổ chức những tour gắn kết mang tầm cỡ quốc tế.

NISHA BARKATHUNNISHA, Giám đốc điều hành sáng lập  Công ty Tư vấn và Đào tạo Elevated (Singapore):

Việt Nam còn thiếu ý tưởng về du lịch cộng đồng

‘Du lịch trách nhiệm’: Nỗ lực không chỉ từ doanh nghiệp ảnh 3

Muốn tăng cường năng lực cạnh tranh du lịch, TP.HCM không thể bỏ qua phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững. Nhiều nghiên cứu cho thấy muốn tăng cường năng lực cạnh tranh thì phát triển du lịch bền vững là con đường đúng đắn. Nếu không thì năng lực cạnh tranh chỉ là ảo tưởng.

Nói đến phát triển du lịch trách nhiệm là nói tới văn hóa, lợi ích của người dân địa phương. Thực tế cho thấy có sự tréo ngoe vì một đằng chúng ta muốn phát triển mạnh du lịch nhưng không muốn ảnh hưởng đến các yếu tố trên.

Chúng ta muốn cộng đồng địa phương ủng hộ du lịch có trách nhiệm, phải có chiến lược giáo dục làm sao để họ thấy có được lợi nhuận từ phát triển du lịch bền vững.

Với chín chiến lược mà Singapore đã làm, dù Singapore là quốc gia nhỏ nhưng dựa trên du lịch trách nhiệm, du lịch Singapore phát triển ngày càng bền vững hơn. Đó là tầm nhìn, như chúng ta đã biết Singapore là TP vườn với nhiều cây xanh, nhờ tầm nhìn của Thủ tướng Lý Quang Diệu. Đến nay, Singapore không muốn là TP vườn nữa mà là cả TP trong một khu vườn. Chúng tôi chưa bằng Copenhagen nhưng đang đi theo hướng đó. Đến Singapore, du khách có thể đi xe đạp từ đường này sang đường khác không cần phải xuống xe. Singapore đã xây dựng vườn thủy sinh vì muốn đảm bảo thông điệp đối với cư dân Singapore đây là di sản để lại cho thế hệ sau. Trước khi xây dựng, chúng tôi hỏi cư dân địa phương liệu có thể phát triển nơi này thành khu vườn không. Do đó, để trở thành điểm đến thu hút du khách, phải đảm bảo người dân địa phương cảm thấy hài lòng, thú vị thì du khách mới cảm nhận được điều đó.

Ngày nay du khách muốn đến một nơi nào đó không chỉ để ngắm cảnh mà còn muốn đóng góp cho địa phương. Ví dụ trước khi đến Sài Gòn, tôi vào website của khách sạn A, nếu họ cho biết ở đây cộng đồng địa phương đang cần sách báo hay vật phẩm nào đó, du khách có thể mang đến. Hoặc tham gia vào tour này sẽ góp phần gì đó cho cộng đồng địa phương. Điều này sẽ hấp dẫn chúng tôi chọn khách sạn hoặc tour đó vì chúng tôi muốn góp phần cho cộng đồng địa phương. Ý tưởng này tôi thấy chưa có ở Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm