Ngày 15-8, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 đầu cầu các tỉnh, TP trên cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt, trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 ngàn tỷ đồng.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng bày tỏ tin tưởng, du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 đầu cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: TRẦN HUẤN. |
Tại hội nghị, đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phổ biến Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; báo cáo nội dung về một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm vừa được lãnh đạo Bộ VH-TT&DL phê duyệt theo QĐ 1894/2023.
Hội nghị cũng tập trung thảo luận về các giải pháp triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm...
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong dài hạn, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng và phát triển một số mô hình du lịch đêm tại một số địa phương có thế mạnh tiềm năng.
Trong đó, tập trung theo hai hướng. Thứ nhất là hoàn thiện và nâng cao chất lượng mô hình du lịch đêm tại các quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Tây Hồ), thứ hai là quy hoạch, xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt, chuyên nghiệp (dự kiến khu vực ngoại thành).
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cũng đề nghị Bộ VH-TT&DL xây dựng một Chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế mà Bộ là cơ quan chủ trì, kết nối tất cả các tỉnh thành.
Trong đó tập trung vào các nội dụng như xây dựng kế hoạch hợp tác với một số đối tác truyền thông quốc tế lớn, uy tín (CNN, CNBC, BBC…) để xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá tổng thể du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông này.
Phối hợp với các thương hiệu quốc tế uy tín trong các lĩnh vực phục vụ hoạt động du lịch (Michellin, WTA, Netflix…) để định vị thương hiệu dịch vụ du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao, phục vụ nhóm đối tượng khách có chi tiêu cao. Kinh phí, Hà Nội sẵn sàng đóng góp theo chương trình chung.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN HUẤN. |
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cũng cho biết, mặc dù ngành Du lịch đã đạt được một số kết quả nhất định, giúp củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Phát triển du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội. Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng còn hạn chế.
Sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch còn hạn chế. Việc hoạch định chiến lược về thị trường, đối tác chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động của tình hình du lịch thế giới, khu vực. Liên kết trong phát triển sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, liên kết trong hoạt động quản lý, đầu tư phát triển du lịch chưa thực sự được quan tâm.
Nhu cầu của khách du lịch liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Nguồn lực đầu tư cho du lịch còn hạn chế so với các nước cạnh tranh trong khu vực...