Chị NTTr làm việc ở TP.HCM nhưng lúc gần sinh con thì về nhà mẹ ruột ở Nha Trang. Chị sinh con đúng vào lúc đang bước vào mùa lạnh. Một phần do thời tiết, mẹ chị Tr. nhất định bảo chị phải nằm than để giữ ấm. Theo bà, việc nằm than sau khi sinh sẽ làm cho hai mẹ con cứng cáp và mạnh khỏe hơn, nhất là người mẹ sẽ tránh được các bệnh “hậu”. Chị Tr. vốn sợ lửa nên không đồng ý. Hai mẹ con cứ hục hặc nhau vì chuyện này.
Rất nhiều chị em thật sự rất sợ chuyện nằm than như trên đã thắc mắc: Có nên nằm than sau khi sinh không?
Nằm than - thói quen của xứ lạnh
Bác sĩ Trương Thìn, nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho rằng: Ngày xưa, ở các vùng có thời tiết lạnh như miền Trung và miền Bắc, phụ nữ thường có thói quen dùng than để sưởi ấm sau khi sinh. Phụ nữ mới sinh thường có thân nhiệt thấp, cần được sưởi ấm để khí huyết lưu thông dễ dàng. Tuy nhiên, việc bắt sản phụ “nằm than” bằng cách dùng than củi đốt dưới sàn giường là cách làm đã lạc hậu, không còn phù hợp trong thời đại hiện nay. Theo bác sĩ Phạm Việt Hoàng (PGĐ BV Tuệ Tĩnh, Hà Nội), người xưa quan niệm khi phụ nữ sinh con bị mất máu nên phải cho nằm than để lấy lại sinh lực. Trên thực tế, việc nằm than là không có căn cứ, lợi bất cập hại.
Phụ nữ cần được sưởi ấm sau khi sinh nhưng không nên dùng than củi để sưởi . Ảnh minh họa: HTD
Giải thích về thân nhiệt thấp của phụ nữ sau sinh, bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Phụ ngoại - BV Hùng Vương, cho biết: Khi mang thai, các cơ quan như tim, mạch máu, phổi, cơ… của người phụ nữ phải hoạt động tối đa để nuôi thai nhi. Sau sinh, trạng thái cơ thể bị thay đổi đột ngột, sản phụ bị mất một lượng máu khá lớn nên cơ thể sẽ yếu và lạnh hơn lúc bình thường. Ngoài ra, sản phụ sau sinh cần có một lượng nhiệt vừa đủ để làm hẹp “cửa mình” và làm các cơ ở vùng bụng, đùi săn chắc hơn.
Tuy nhiên, “Việc sưởi ấm cho phụ nữ sau khi sinh là tốt nhưng dùng than củi để sưởi là không nên. Vì than củi khi đốt sẽ thải ra khí CO2, có thể gây ngộ độc cho cả mẹ và con (nhất là với những căn phòng kín mít). Việc dùng than củi khó điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn nên rất dễ gây bỏng cho cả bà mẹ và em bé” - bác sĩ Thủy cho biết.
Bác sĩ Phạm Việt Hoàng nói rõ hơn: Hệ miễn dịch của đứa trẻ chưa cao, khi hít phải khí CO2 có thể dẫn đến ngộ độc CO2, còi cọc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh…
Sưởi ấm thời hiện đại
Trong Đông y có một cách giữ ấm rất hiệu quả là chỉ cần hâm nóng cơ quan chống lạnh trong cơ thể. Theo bác sĩ Trương Thìn, “nguồn lạnh” trong cơ thể xuất phát từ tuyến thượng thận (nằm ở vùng thắt lưng). Vì vậy, chỉ cần dùng một chai nước hoặc một túi chườm ấm đặt dưới lưng người phụ nữ khoảng 5-7 phút là đã đủ để giữ ấm. Cách làm này sẽ kích thích và tăng cường khả năng chiến đấu của tuyến thượng thận, tất cả các bộ phận khác trong cơ thể nhờ đó cũng được hâm nóng.
Bên Tây y, bác sĩ các bệnh viện phụ sản thường khuyến cáo sản phụ giữ ấm bằng cách đắp chăn hoặc mặc thêm áo ấm. Người mẹ được khuyến khích vận động sớm để máu huyết lưu thông tốt, các cơ sớm phục hồi, tránh nhão cơ và nhăn da. Một số bệnh viện còn dùng đèn hồng ngoại chiếu vào vùng “cửa mình” để các vết thương co lại và mau lành hơn. Ngoài ra, phụ nữ cũng có thể dùng túi ấm chườm lên bụng để giữ ấm và làm săn chắc cơ bụng.
“Với những phương pháp như trên, người phụ nữ sau khi sinh không chỉ được giữ ấm mà còn có thể lấy lại vóc dáng thon gọn như thuở nào mà chẳng cần phải dùng đến than củi” - bác sĩ Thủy khẳng định.
Con bị bỏng do mẹ nằm than Ngày 26-8, bé Lê Phương Tường V. (huyện Gò Dầu, Tây Ninh) đã phải đón ngày đầy tháng của mình tại khoa Bỏng-Chỉnh hình - BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Chị Trần Ngọc Thu H., dì của bé V., cho biết ngày 25-8, do có đám giỗ nên chỉ hai mẹ con bé V. ở nhà. Mẹ bé nằm than, sau đó đi tắm lá xông trong buồng tắm và để võng của con lên chiếc giường tre. Khi đó, lò than còn để dưới giường và quạt máy vẫn hoạt động. Khi nghe tiếng con khóc, người mẹ chạy ra, chiếc giường tre bị cháy một lỗ lớn ở giữa, còn cái võng cháy sém. Tay trái, chân trái, một phần mông và cả khuôn mặt của bé Tường V. bị bỏng nặng. Bác sĩ Nguyễn Bảo Tường, Trưởng khoa Bỏng-Chỉnh hình - BV Nhi đồng 1, rất lo ngại vì bé V. chỉ nặng 4 kg, lại bị bỏng lửa quá nặng, đặc biệt là khuôn mặt bị tổn thương nhiều. Trung bình mỗi năm, khoa tiếp nhận khoảng 3-5 trẻ sơ sinh bị bỏng do mẹ nằm than, nhưng hiếm có ca nào nặng như vậy. |
HUYỀN VI