Theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, làm khô cá là hình thức bảo quản lâu đời, loại bớt nước bằng cách làm khô tự nhiên dưới nắng mặt trời, hoặc sấy nhẹ. Làm khô cá đến mức độ thích hợp, vi khuẩn gây hư thối sẽ bị ức chế.
Sự ươn thối của cá là do hoạt động vi sinh vật và các enzyme có trong cá, nhất là trong nội tạng. Thường thì cá được ướp muối, hoặc ngâm trong dung dịch muối bão hòa trước khi làm khô. Độ mặn của muối có thể ức chế hoạt động của vi khuẩn, và enzyme phân giải cá, làm chậm mức độ ươn thối.
Khô cá là hình thức bảo quản lâu đời. Tuy nhiên, nếu chế biến và bảo quản không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: NGUYÊN VÕ
Mùi tanh của cá hấp dẫn ruồi. Mùi càng ươn, càng tanh thì ruồi càng bu. Nắng dịu, ruồi bu nhiều. Nắng gắt, ruồi bu ít. Rồi rửa cá không sạch, còn lẫn máu nhớt, nội tạng cá, ruồi lại càng bu nhiều hơn.
Ruồi mang mầm bệnh. Trên lý thuyết, vi khuẩn khó sống nổi với độ mặn của cá nhưng thấy ruồi bu là nhiều người sợ. Ngay cả cá khô thành phẩm, nếu vệ sinh chưa kỹ, ruồi vẫn bu, chỉ có bu nhiều hay ít mà thôi.
Để ruồi khỏi bu, một số người làm khô cá đã dùng chất diệt côn trùng có tên là trichlorfon, cho vào lúc làm khô cá. Chất trichlorfon không được phép dùng trong thực phẩm, ngay cả trong nuôi trồng thủy sản, cũng không được phép dùng vì tính độc hại của nó, ông Vũ Thế Thành chia sẻ thêm.
Theo một chuyên gia thực phẩm khác thì độc tính của trichlorfon rất cao. Khi hấp thụ vào cơ thể có thể gây ra líu lưỡi, suy nhược, mất phản xạ… Nặng hơn có thể khiến nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật hoặc rối loạn tâm thần.
Khô cá mà ruồi không bu, người dùng lo lắng khô có xài hóa chất. Mà ruồi bu lại sợ mất vệ sinh. Ngay cả khi cá khô được đóng gói trong bao bì plastic rút chân không, trông sạch sẽ nhưng trong quá trình chế biến, phơi nắng, ruồi có bu hay không, cũng khó biết.