Đại bản doanh của VFF đã thất thủ theo nghĩa đen của nó khi những chiếc xe có dán chữ thương binh được sự hộ tống ồ ạt của đám đông chiếm lĩnh hành lang của đơn vị này.
Thậm chí những cổ động viên được coi là cuồng nhiệt kia còn biến nơi đây thành một địa điểm ăn nhậu và để lại tràn lan rác thải.
Trả lời trên một tờ báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội, cho biết: “Cần làm rõ xem những người xưng là thương binh, tụ tập gây rối và xông vào, ăn nhậu trong trụ sở của VFF là ở đâu, có đúng thương binh thật, hội viên của hội hay không”.
Thương binh thật hay giả quả là một câu hỏi cần mất rất nhiều thời gian và công sức để xác minh nhưng có một điều rất thực ngoài mong muốn đã xảy ra. Hình ảnh của những người lính đã ít nhiều bị tổn thương bởi những danh xưng và hình ảnh mà đám đông vừa gây ra.
Đây cũng không phải là chuyện xưa nay hiếm. Trên đường phố Hà Nội rất dễ gặp những chiếc xe 3-4 bánh tự chế mà thành xe đều dán chữ thương binh kèm theo đơn vị cũ. Công bằng mà nói, Hà Nội với nhiều con phố nhỏ, ngõ sâu, những phương tiện vận tải dễ luồn lách cũng đem lại nhiều lợi thế. Tuy nhiên, tình trạng xe tự chế vi phạm giao thông, bật nhạc lớn và còi to đã nhiều lần tái diễn.
Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến chinh, rất nhiều người con của đất nước đã ngã xuống ở đâu đó trên đất mẹ nhưng chưa được đưa về với quê hương, rất nhiều người đã để lại một phần xương thịt ở chiến trường. Cũng chính bởi sự tri ân với đóng góp đó mà nhiều chế độ, chính sách và đãi ngộ đã và đang được áp dụng. Nhưng như Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghinh đã nói: “Quan điểm của chúng tôi, những hành vi đó là không chấp nhận được. Sự biết ơn không phải là tấm khiên để che đậy cho những hành vi quá khích mà những người tự xưng là thương binh đã làm”.