Đưa cuộc sống vào luật, nâng tầm việc nghiên cứu và hoạch định chính sách

(PLO)- Chú trọng công đoạn hoạch định chính sách, để từ đó thông qua những đạo luật có khả năng phá bỏ những rào cản của cơ chế, khai thông các vướng mắc trong xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sự kỳ vọng của người đứng đầu Nhà nước trong thông điệp chúc Tết Giáp Thìn 2024 về việc “tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn, để dân tộc ta vững bước tiến lên đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa” đặt ra đối với mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi cơ quan, tổ chức, mọi chiến sĩ, đồng bào.

chính sách
.Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại TP.HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Tất nhiên, đối với các lĩnh vực khác nhau thì việc khai mở sức sáng tạo trong mỗi cá nhân, giải phóng các tiềm năng, khơi thông các nguồn lực cũng có những đặc trưng và biến thiên nhất định. Xét trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, sự kỳ vọng này cũng hướng tới những sự đặc thù nhất định.

Đưa cuộc sống vào luật

Kỳ vọng đối với cơ quan lập pháp đó chính là việc chú trọng công đoạn hoạch định chính sách, để từ đó thông qua những đạo luật có khả năng phá bỏ những rào cản của cơ chế, khai thông các vướng mắc trong xã hội.

Đảm bảo sự sáng tạo luôn trong khuôn khổ pháp luật

Quy phạm pháp luật mặc dù chứa các quy tắc xử sự chung nhưng khó có thể áp dụng đúng trong mọi trường hợp. Sự vận dụng và giải quyết hợp lý mang lại những lợi ích tích cực hơn so với sự áp dụng cứng nhắc một quy tắc nào đó. Do đó, tùy nghi hành chính thúc đẩy sự sáng tạo, tự chủ và tạo cơ sở cho những đổi mới, năng động trong hoạt động hành chính.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là bên cạnh thúc đẩy sự sáng tạo trong mỗi cơ quan hành chính, mỗi cán bộ, công chức thông qua quyền tùy nghi hành chính cần xác định rõ giới hạn của quyền tùy nghi hành chính cũng như thiết lập một chế độ thanh tra, kiểm tra, giám sát phù hợp, nhằm bảo đảm cho sự sáng tạo này luôn trong khuôn khổ pháp luật.

Trong thời gian qua, nhiều đạo luật được ban hành nhưng không phù hợp với cuộc sống, dẫn đến nhiều bất cập trong triển khai thi hành. Chúng ta thường chỉ quan tâm và băn khoăn về một vấn đề là tại sao luật không đi vào được cuộc sống, tức là thường chỉ xem xét, đánh giá dưới góc độ thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, đó chỉ là hệ quả. Cái gốc của vấn đề chính là ở chỗ chúng ta đã không đưa được cuộc sống vào luật và nguyên nhân của hạn chế đó chủ yếu thuộc về những khiếm khuyết trong nghiên cứu, hoạch định chính sách. Một khi chính sách chưa được làm rõ thì việc bắt tay vào soạn thảo văn bản pháp luật giống như “mò mẫm đi trong đêm tối”. Hậu quả là nhiều quy định được ban hành ra nhưng không đi vào cuộc sống.

Chính vì vậy, cơ quan lập pháp cần chú trọng vấn đề xây dựng và phân tích, hoạch định chính sách. Trong giai đoạn này, cần phải lưu ý những công đoạn như nhận biết vấn đề, tìm ra nguyên nhân của vấn đề, tìm ra giải pháp để xử lý, nghiên cứu các quy định pháp luật có liên quan, nghiên cứu khả năng tài chính để bảo đảm triển khai thi hành các quy định của văn bản. Chỉ khi chính sách được phân tích cụ thể, rõ ràng thì các đạo luật được ban hành ra mới trở thành công cụ bảo vệ lợi ích của con người và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Áp dụng hiệu quả các quy định về tùy nghi hành chính

Kỳ vọng đối với cơ quan hành pháp và hệ thống các cơ quan hành chính đó chính là việc áp dụng các quy định về tùy nghi hành chính một cách tích cực, hiệu quả.

Tùy nghi hành chính là quyền tự suy xét, tự quyết định của cơ quan hành pháp và hệ thống các cơ quan hành chính. Theo đó, cơ quan hành pháp và hệ thống các cơ quan hành chính có quyền tự do lựa chọn hành động hoặc không hành động; và nếu hành động thì có quyền quyết định một giải pháp theo ý chí của mình chứ không bị áp đặt trên cơ sở các quy định pháp luật cụ thể.

Cơ quan hành pháp và hệ thống các cơ quan hành chính gấp nhiều lần số lượng và biên chế của tất cả cơ quan nhà nước khác cộng lại. Số lượng khổng lồ lại thực hiện chức năng quản lý nhà nước nên các cơ quan hành chính là những chủ thể tiếp xúc nhiều nhất với cá nhân, tổ chức. Do đó, hoạt động của cơ quan hành pháp và hệ thống các cơ quan hành chính thường xuyên xuất hiện các quy định pháp luật liên quan đến quyền tùy nghi. Vì lẽ này mà việc sử dụng quyền tùy nghi hành chính cần được thực hiện một cách hiệu quả.

Đời sống xã hội luôn biến động và phát triển, các quan hệ xã hội phát sinh ngày càng đa dạng và phức tạp nên đòi hỏi cơ quan quản lý phải ứng phó nhanh nhạy, kịp thời, vận dụng sáng tạo pháp luật, tìm kiếm biện pháp giải quyết mọi tình huống phát sinh một cách có hiệu quả nhất. Điều này chỉ có thể có được dựa trên cơ sở phát huy tích cực quyền tùy nghi hành chính.

ls-nguyen-hoang-trung-hieu.jpg

Luật sư NGUYỄN HOÀNG TRUNG HIẾU, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Atlantic:

Cần một cơ chế, chính sách đột phá toàn diện

Trước yêu cầu của tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, áp lực về kinh tế xanh trong hội nhập quốc tế thì nhiều vấn đề cần phải có sự thay đổi.

Theo tôi, cần có cơ chế đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc tạo không gian cho những đóng góp cá nhân, người trẻ, cũng như mở rộng giao thức tiếp nhận sáng kiến, hiến kế của cá nhân và nhóm sáng tạo trẻ. Từ đó, hướng tới đối thoại để tìm ra vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật nhằm kịp thời hoàn chỉnh cho phù hợp xu hướng thời đại và thực tiễn cuộc sống.

Ví dụ, việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm kiến tạo nền công nghiệp độc lập và tự chủ (theo mục tiêu và định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), giả sử chúng ta muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát minh, sáng chế hiệu quả thì cần mở ra nhiều không gian hơn cho cá nhân và các nhóm trí thức trẻ.

Ví dụ, có thể đề xuất các biện pháp hỗ trợ, mở rộng biên độ ưu đãi trực tiếp cá nhân, nhóm trẻ, doanh nghiệp có dự án nghiên cứu tạo ra phát minh, sáng chế làm sao thủ tục hỗ trợ đó ngắn gọn, tăng cảm xúc, kích thích, lan tỏa, tránh phiền toái, tránh việc đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục hành chính…

Cần tạo ra cơ chế nối kết để các thực thể sáng tạo tương tác, hợp tác qua lại với nhau. Cần tạo ra chính sách chung đồng bộ, ngắn gọn và có tính thực thi trong việc tạo ra môi trường cạnh tranh để sàng lọc, tinh tuyển được những giải pháp tốt nhất.

TS - Luật sư MINH PHIU, Giám đốc Công ty Luật TNHH LMP:

z5177024839999_3e48540c9d292d2a94550882827bb491.jpg

Cần một cơ quan chuyên giải thích luật

Thực tiễn những năm qua cho thấy nếu gặp các vướng mắc do pháp luật chưa quy định; hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng, còn chồng chéo thì các cơ quan nhà nước có xu hướng “ngâm hồ sơ”. Trong khi đó, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam gần đây luôn sôi sục.

Các quyết định đầu tư có thể được đưa ra trong một thời gian rất ngắn nhưng với giá trị rất cao. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư bắt đầu tiếp cận triển khai thì lại gặp nhiều khó khăn do pháp luật quy định không rõ ràng. Do đó, nếu việc giải thích pháp luật không được triển khai một cách hiệu quả, kịp thời, theo từng vụ việc cụ thể thì đôi khi chính những quy định pháp luật ấy lại là rào cản đối với hoạt động đầu tư.

Việc giải thích luật hiện nay được thực hiện chủ yếu bởi các bộ, ngành. Mà việc giải thích của các bộ, ngành không được thể chế hóa nên những giải thích đó không tạo ra được một “tiền lệ” để có thể áp dụng cho các vụ việc tương tự.

Do vậy, cần xem xét thành lập một cơ quan giải thích pháp luật chuyên biệt thuộc Quốc hội. Cơ quan này phải kịp thời giải thích những vấn đề mà luật chưa quy định, chưa rõ ràng, còn chồng chéo để khơi thông các dòng chảy đã bị đóng băng trong nền kinh tế cũng như trong cuộc sống.

Cơ quan này có thể là một cơ quan mới, hoặc có thể tách hệ thống tòa án hành chính thành một hệ thống tách biệt với hệ thống tòa án tư pháp. Lúc đó, tòa án hành chính vừa có chức năng giải thích luật trước khi một tranh chấp xảy ra, vừa có chức năng xét xử một tranh chấp xảy ra và những giải thích luật trong bản án sẽ thành án lệ.

UNG THỊ XUÂN HƯƠNG, nguyên Chánh án TAND TP HCM:

p7-a_qdrr.jpg.jpeg
Bà Ung Thị Xuân Hương, nguyên Chánh án TAND TP.HCM

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật

Trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, có 6 luật sẽ có hiệu lực trong năm 2024. Trong đó, phải nhắc đến Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giá… là những luật liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra, tập trung nguồn lực để triển khai thi hành pháp luật; xác định thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp cả ở Trung ương và địa phương; bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật để đảm bảo những thiết chế pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân sớm đi vào cuộc sống.

Tôi kiến nghị một số giải pháp cần quan tâm như: (1) Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật; (2) Chú trọng công tác truyền thông chính sách, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân; (3) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm; (4) Tăng cường cải cách tư pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của các cơ quan tư pháp; tiếp tục cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Năm 2024, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với các động lực tăng trưởng mới, tôi kỳ vọng về sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế trong nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm