Theo ông Nam, tổng hợp từ báo cáo của các sở NN&PTNT các địa phương, diện tích trồng tiêu cả nước ước đoán hơn 80.000 ha, trong khi đó diện tích theo quy hoạch chỉ hơn 41.000 ha.
Nguyên nhân diện tích trồng tiêu tăng là do giá tiêu trong các năm qua tăng mạnh, giá tiêu nội địa đầu tháng 1-2015 chỉ ở mức 150.000 đồng/kg nhưng có lúc tăng lên 200.000 đồng/kg, đến hết quý I năm nay giá tiêu đen vẫn ở mức cao 175.000 đồng/kg. Chưa kể giá tiêu đen xuất khẩu cũng tăng kỷ lục, hiện đạt mức gần 8.800 USD/tấn, tăng 35%, tương đương hơn 2.260 USD/tấn so với cùng kỳ 2014. Người trồng tiêu nhiều năm nay lại luôn được mùa, được giá, dẫn đến tình trạng nhiều nông dân chặt cây cà phê, điều, cao su… để trồng tiêu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cảnh báo nếu trồng tiêu tự phát, theo phong trào sẽ rất nguy hiểm. Không chỉ lo nguồn cung tăng, nhu cầu không tăng sẽ dẫn đến tình trạng rớt giá như các nông sản khác. Nếu thiếu thông tin, không nắm kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh thì thiệt hại rất lớn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp cảnh báo tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tiêu xuất khẩu. Thị trường lớn châu Âu đã cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt tiêu nhập từ Việt Nam. Nếu tiếp tục vi phạm châu Âu dọa sẽ ngưng nhập khẩu tiêu Việt Nam.
Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Giám định VCC&C, cho rằng cần có một tiêu chuẩn quốc gia về kiểm soát chất lượng hồ tiêu xuất khẩu. Tiêu chuẩn này nên áp dụng theo chuẩn quốc tế để phù hợp với các thị trường xuất khẩu.