Tôi tham gia bảo vệ cho thân chủ ở nhiều vụ kiện và chứng kiến không ít những sai sót mà báo từng nêu (như bỏ lọt chứng cứ quan trọng khiến bên kia thua kiện, triệu tập thiếu người liên quan nên bị hủy án...). Chẳng hạn gần đây, trong vụ thi hành bản án tranh chấp nhà giữa bà Ngô Hoa Nguyên và các đồng nguyên đơn, tôi thấy rằng các hợp đồng ủy quyền đều sai luật nhưng vẫn được các cấp tòa và cơ quan thi hành án (THA) chấp nhận. Điều này thật khó hiểu.
Cụ thể, hợp đồng ủy quyền của ông Đinh Văn Sĩ tuy đã được hợp pháp hóa lãnh sự, được dịch ra tiếng Việt nhưng lại thể hiện trong văn bản ủy quyền là bà Si Van Dinh hoặc hợp đồng ủy quyền của ông Đinh Phước Lộc nhưng “người ủy quyền: Bà Steven Loc Dinh”. Ngoài việc xác định sai giới tính, cả hai hợp đồng ủy quyền này không xác định người ủy quyền với tư cách gì và để được thi hành bản án nào? Tại cơ quan THA thẩm quyền cấp nào?
Thêm trường hợp ủy quyền khác của ông Đinh Văn Nhu, tuy xác định là người liên quan trong vụ kiện “yêu cầu xác lập quyền sở hữu…” nhưng không rõ nguyên đơn, bị đơn là những người nào. Thực tế việc THA thực chất là để nhận tiền tức là vượt quá yêu cầu của người ủy quyền và phạm vi ủy quyền không liên quan gì đến bản án và quyết định THA của Cục THA dân sự TP.HCM. Rồi như văn bản ủy quyền của bà Le Thi Ung (thực tế là bà Đinh Thị Lê) ủy quyền “…thay mặt… để thực hiện các ý nguyện…” nhưng không rõ mục đích, ý nguyện gì. Và yêu cầu THA vấn đề gì.
Ngoài ra còn có các hợp đồng ủy quyền của bà Nguyet Thi Dinh (thực tế là bà Đinh Thị Nguyệt), của bà Thu Thi Dinh (thực tế là bà Đinh Thị Thu)... những người này không hề có văn bản xác nhận nào chứng minh một người có hai tên như đã nêu trên. Tuy nhiên, không hiểu sao vẫn được tòa án các cấp và Cục THA chấp nhận.
Trường hợp cá biệt đến khó hiểu là bà Đinh Thị Nga không có hợp đồng ủy quyền nhưng có biên bản lấy lời khai, nội dung: “…Tôi xin ủy quyền cho ông Đinh Văn Thơ là anh ruột tôi toàn quyền quyết định…” nhưng không rõ quyết định vấn đề kiện tụng gì. Cũng không thể hiện ý chí ủy quyền liên quan đến THA.
Tất cả gần 10 hợp đồng ủy quyền của phía nguyên đơn và người liên quan đều được tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và trở lại xét xử cấp phúc thẩm lần hai vẫn chấp nhận những vi phạm trên. Nay sự việc chuyển sang giai đoạn THA và vẫn được Cục THA dân sự TP.HCM tiếp tục xử lý.
Tôi thiết nghĩ đây là những sai sót nghiêm trọng, các hợp đồng ủy quyền đều không hợp lệ, không thể hiện ý chí ủy quyền liên quan việc THA. Những sai sót này rất dễ dàng phát hiện ra. Cơ quan THA phải từ chối nhận đơn hoặc tạm ngưng THA để khắc phục những sai sót nêu trên. Về sâu xa hơn, tôi cho rằng tòa án, VKS, cơ quan THA phải là biểu tượng của công lý, là chỗ dựa của nhân dân. Phải xây dựng hình ảnh người thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên đem lại niềm tin vào công lý cho nhân dân, tránh những sai sót không đáng có.
Luật sư NGUYỄN THANH LƯƠNG