Công an tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Tân khởi tố vụ án đối với vụ chôn sống con mới đẻ xảy ra tại thôn Phò Trì, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân ngày 26-5. Hiện đứa bé sơ sinh vẫn đang được chăm sóc tại bệnh viện. Mặc dù thông tin ban đầu là sau khi thực hiện giám định ADN thì sẽ giao bé về cho gia đình nuôi dưỡng. Tuy nhiên, đến nay việc quyết định trao bé cho ai vẫn còn là bài toán nan giải.
Đáng buồn là rất nhiều ý kiến người dân, bạn đọc cho rằng không thể trả lại con cho mẹ ruột.
Không thể để bé chết lần 2
Về mặt pháp luật cũng như đạo lý thông thường, giao trả con cho mẹ ruột nuôi dưỡng là tất yếu. Thế nhưng hầu hết ý kiến bạn đọc gửi về cho chúng tôi đều thống nhất “không thể được, không thể để bé chết lần thứ hai”. Không ít ý kiến còn cho rằng: “Phải tước quyền làm mẹ của người phụ nữ này”.
Rất khó để cộng đồng cảm thông cho hành vi của người mẹ vì thực sự bà đã thể hiện ý chí coi như bé không tồn tại trên đời ngay từ khi mang thai trong bí mật, một mình vượt cạn rồi giấu con cả đêm và cuối cùng là vùi bé xuống cát.
Nơi phát hiện bé trai bị vùi dưới cát. Ảnh: TTO
“Nếu đứa trẻ chết, lấy gì giao lại cho bà ấy nuôi. Hãy giao bé cho người có từ tâm” - bạn Văn Minh giận dữ nói. “Ở nước ngoài, chăm sóc con không tốt đã phải ra tòa rồi chứ đừng nói là chôn con như vậy” - bạn LyKha phẫn nộ. Còn bạn Hiếu Đặng thì thảng thốt kêu lên: “Trời ơi, quyền sống còn là quyền đầu tiên của đứa trẻ mà, sao bà mẹ này lại nỡ hại đứa con do mình tạo ra? Đã vậy luật pháp lại còn nhân văn với mấy bà mẹ này làm gì?”.
“Không thể tha thứ”, “cách ly bé khỏi mẹ”, “pháp luật phải trừng phạt” thậm chí là “phải sửa luật để răn re” là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong các lượt bình luận.
Bạn Ngọc Linh phân tích: “Đừng quá quan trọng chuyện máu mủ, vấn đề là ở đâu thì tốt cho đứa bé hơn. Ở nước ngoài chắc chắn họ xử người mẹ mất quyền nuôi con. Cái này chúng ta nên học”. Trong khi đó, bạn Tiến Đoàn nói thẳng: “Pháp luật trước hết phải bảo vệ con người. Giao bé cho người từng chôn sống bé thì ai cũng biết là giải pháp thiếu an toàn nhất. Trong trường hợp này, một quyết định của người có thẩm quyền sẽ ảnh hưởng cả tương lai một con người, xin hãy cân nhắc!”.
Bé hiện được chăm sóc ở bệnh viện thị xa La Gi.
Có rất nhiều độc giả bày tỏ mong muốn được nhận nuôi bé hoặc liên hệ các trung tâm để gửi gắm bé. Chúng tôi nhận được không ít lời nhắn gửi rằng: “Xin hướng dẫn để tôi có thể nhận nuôi bé!”.
Đáng trách 1, đáng thương 10
Bên cạnh đó, một luồng ý kiến mạnh mẽ không kém cho rằng người mẹ này đáng thương hơn đáng trách. Không chỉ được chị em phụ nữ từng trải qua sinh nở bênh vực, người mẹ này cũng được một số nam nhân lên tiếng chia sẻ. Bạn Nguyễn Bá Tùng bình luận: “Bà này tuy gây tội nhưng thấy cũng tội nghiệp. Chủ yếu do hạn chế nhận thức và nghèo quá thôi. Không được ăn học lại có bệnh trong người thì sao mà cư xử bình thường được? Con ở với mẹ vẫn là tốt nhất”. Đồng tình, bạn Duy Mạnh nói: “Vì hoàn cảnh nghèo và thất học, cộng thêm áp lực từ người chồng nên mới ra nông nỗi. Địa phương nên tìm cách giúp đỡ gia đình họ, có đến ba đứa trẻ trong nhà ấy”.
Trong vụ việc này, một khía cạnh cần lưu tâm đó là thái độ của người thân, đặc biệt là người chồng khi người vợ mang thai. Đây chính là tiếng chuông cảnh báo những bi kịch gia đình xảy ra từ sự vô tâm, nghi kỵ của người thân. Bạn đọc Hoàng Thư nhắn nhủ: “Những người chồng hãy biết cách yêu thương vợ mình lúc sinh nở hơn. Xin đừng vô tâm như ông chồng kia để tránh dẫn đến hậu quả đau lòng”.
Người mẹ trong câu chuyện có hoàn cảnh rất ngặt nghèo. Ảnh: P.NAM
Đa số ý kiến bênh vực người mẹ đều chỉ ra sự bất thường trong tâm lý phụ nữ sau sinh, đó là một giai đoạn mà mọi hành vi cần được châm chước.
“Hổ dữ không ăn thịt con, chúng ta không ai biết hoàn cảnh cụ thể của bà ấy, không sống trong cảnh đó thì đừng chỉ trích. Tốt nhất không giúp được gì thì hãy động viên người ta một câu” - một bạn đọc nêu quan điểm. Bạn Thiên Nga cũng phản đối việc tách con khỏi mẹ: “Thời kỳ thai sản, sinh con, tâm lý người phụ nữ khó lường lắm, chính họ cũng không biết họ làm gì đâu. Bây giờ không giao bé cho mẹ thì giao ai, khi chị này bình tâm lại thì sẽ ổn thôi”.
“Không phải tự nhiên pháp luật đặt ra cái mốc sau sinh bảy ngày đâu. Người làm luật đã lường trước những bất thường thời hậu sản, đó là cái tình trong cái lý đấy” - một bạn đọc có tên LS MinhT chia sẻ. Và đúng như một độc giả trích dẫn: “BLHS quy định nếu phạm tội vứt bỏ con sau sinh, đứa bé sơ sinh chết thì người mẹ chỉ bị phạt tối đa hai năm tù; còn may mắn sống sót thì chỉ phạt hành chính. Luật cũng quy định trẻ dưới 36 tháng phải do mẹ ruột nuôi dưỡng, kể cả tử tù. Tức thì tức nhưng luật là luật, mình tin là gia đình, địa phương sẽ quan tâm hơn để mẹ và bé sống ổn”.