Đừng trừng phạt cha mẹ của mình như thế!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng thứ bảy, tôi thức dậy khi còn rất sớm. Tôi dự định sẽ đạp xe một tiếng, rồi về rủ hai con đi ăn sáng, mẹ chúng thì đã đến trường.

Tôi lướt qua Facebook, và tôi đã thấy điều mà tôi, một người cha, ước gì mình đã không nhìn thấy. Tim tôi thắt lại ở khoảnh khắc người cha lao về phía đứa con của mình, mắt tôi nhoà đi. Tôi gần như chết lặng.

Tôi sững sờ ngồi một lát, và tự hỏi tại sao người ta lại độc ác như thế khi đăng tải những điều tôi vừa nhìn thấy. Đừng nhân danh bất cứ điều tốt đẹp và lẽ phải nào trên đời này cả.

Tôi ngồi thế đến khi nhận ra không còn thời gian nữa để đạp xe. Tôi gọi hai con mình dậy, tôi thật sự hoảng sợ vào thời điểm đó, tôi có cảm giác như mình đang có gì đó sai. Nhưng tôi hạnh phúc khi nghe con mình ngái ngủ trả lời dạ ba khi tôi bảo dậy ba dẫn đi ăn sáng.

Tôi ngồi nhìn hai đứa ăn sáng. Thằng con trai với mái tóc nhuộm vàng hoe mà hổm giờ tôi và vợ mình nói rằng chúng tôi không thích. Sáng nay tự dưng nó bảo nó cũng thấy mái tóc nhuộm là không hợp, rằng nó sẽ nhuộm lại màu tối. Tôi, thật lòng mà nói, tự dưng mừng quá, mong rằng nó nói thật chứ chẳng vì nó bị ép.

Tôi nhìn đứa con gái ăn món nó ưa thích, vừa ăn vừa ôm bụng vì đau. Tuần rồi nó làm tôi hoảng hồn vì hai lần đi cấp cứu vì viêm dạ dày. Hôm tôi đưa nó đi cấp cứu về, rồi quày quả đi đón mẹ nó, nó dặn với theo tôi rằng ba đi chầm chậm thôi nghe, chắc vì nó thấy thương tôi.

Chiều nay tôi vào lớp. Tôi đã dành hơn nửa buổi học ở mỗi lớp chỉ để tâm tình với những đứa học trò 17 tuổi. Tôi nói với chúng về mọi thứ, về cách cha mẹ chúng đối xử với chúng, về cách chúng tiếp nhận, về những khó khăn chúng đang có, về những nỗi niềm chúng đang trải qua. Có những lúc tôi không kìm lòng được, giọng tôi lạc đi, mắt tôi nhoè nước.

Đừng trừng phạt cha mẹ của mình như thế! ảnh 1
Một buổi sinh hoạt CLB tham vấn học đường ở một trường THCS tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tôi nhìn học trò mình, có những đứa nước mắt chảy thành dòng trên khuôn mặt tinh khôi. Tôi bảo nếu ta dừng lại lúc này, làm sao ta biết được 20 năm nữa chúng ta sẽ ra sao, và mỗi chúng ta đều phải cho bản thân mình một cơ hội khác, vì chúng ta xứng đáng có chúng. Chúng ta phải cho cha mẹ mình một cơ hội khác, để hiểu chúng ta hơn, vì nếu không thì làm sao mẹ cha hiểu được. Với những gì họ đã làm, dù đôi khi tiêu cực, cha mẹ vẫn xứng đáng có thêm cơ hội nữa. Chúng ta có thể tha thứ cho người lạ, vậy thì chúng ta tiếc gì với mẹ cha mình!

Tôi bảo học trò mình hãy tìm cho mình một đôi tai sẵn sàng lắng nghe. Hãy gửi cho thầy, hoặc một ai đó mà các con tin tưởng, một dòng tin nhắn, hoặc một lá thư thật dài khi có có điều gì đó u uẩn muốn sẻ chia. Thầy hứa, thầy sẽ không lạnh lùng như khi các con gửi bài tập, hay biên lai. Thầy hứa thầy sẽ trả lời, bằng những dòng dài hơn tin con gửi. Hãy cho thầy một cơ hội để giúp đỡ các con!

Tôi kể cho học trò mình về những điều tệ hại tôi đã đi qua, đã trả giá, đã rút ra bài học. Tôi bảo học trò mình, sau ba mươi năm từ khi tôi 18 tuổi, tôi dần trở thành một người khác, tốt hơn. Tôi đã cho mình một cơ hội nữa. Ngày xưa, có lần nọ tôi thất tình, tôi có lúc đứng một nơi rất cao nhìn xuống bên dưới và tự hỏi, nếu tôi nằm dưới kia thì cô gái ấy có khóc không. Tôi không chắc, nhưng tôi nghĩ mẹ tôi và chị tôi chắc chắn sẽ khóc, sẽ đau khổ. Nghĩ vậy, tôi đi xuống lầu. Tôi đã cho tôi một cơ hội khác.

Tôi chìm trong cảm giác mệt mỏi cả ngày thứ bảy, tôi thấy nỗi sợ hãi bao trùm, sự hoảng loạn dâng cao với những bạn bè là cha là mẹ. Tôi nhận một tin nhắn từ phụ huynh, rằng thầy ơi em sợ quá, thầy gần gũi tụi nhỏ khuyên bảo dùm em với. Tôi trả lời tôi sẽ sinh hoạt với tất cả các lớp trong buổi học kế tiếp, dù tôi không chắc các trò có nghe tôi nói hay không.

Trong đời làm người, chúng ta phải trải qua không biết bao là thử thách, và làm cha mẹ đúng cách là thử thách lớn nhất mà ta phải đối mặt, thành hay bại là vô chừng.

Các con ơi, cha mẹ mình mà, họ cũng là người mà, vì vậy sẽ có lúc họ sai mà. Đừng trừng phạt họ bằng án phạt day dứt cả đời như vậy. Hãy cho họ thêm một cơ hội nữa, để họ được yêu thương các con nhiều hơn họ đã từng…

Đừng trừng phạt cha mẹ của mình như thế! ảnh 2
Thầy giáo Võ Anh Triết, giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM

 Thầy giáo Võ Anh Triết có nhiều hoạt động vì cộng đồng, là tác giả bài thơ "Lần cuối cùng ta gặp những yêu thương" và nhiều bài viết khác trên PLO.
Áp lực của con trẻ
Áp lực của con trẻ
(PLO)- Hình ảnh đôi vai cô bé run lên nức nở ngay giữa sân trường ngày hôm ấy là sự nhắc nhở tôi trong việc làm bạn với con cái sau này, ít tạo áp lực cho con.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm