Dưới ‘sàn’ vào ĐH tuyển sinh riêng: Không phạm quy

Sau khi đăng bài “Dưới điểm “sàn” vẫn ung dung vào ĐH” (số ra ngày 25-8), trả lời Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết thí sinh có điểm thi ĐH dưới các mức điểm xét tuyển cơ bản có quyền dự xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường tuyển sinh riêng dù trước đó không đăng ký vào trường này khi làm hồ sơ dự thi ĐH, CĐ.

. Phóng viên: Thưa ông, trong túi đựng hồ sơ tuyển sinh ĐH năm nay có thêm “phiếu bổ sung” dành cho những thí sinh tham gia dự tuyển trường có đề án tuyển sinh riêng điền vào. Nay các thí sinh không điền vào phiếu bổ sung vẫn được xét tuyển vào các trường tuyển sinh riêng, vậy việc đưa ra phiếu bổ sung là thừa?

+ PGS-TS Trần Văn Nghĩa: Theo quy định chung, thí sinh có quyền đăng ký vào ngành học trước khi dự thi. Việc đăng ký sớm đối với các thí sinh sử dụng kết quả học tập THPT (tức vào trường tuyển sinh riêng - PV) sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh (tương tự như trường xét tuyển nguyện vọng 1 theo kết quả kỳ thi ba chung) và giúp các trường tuyển sinh riêng có thông tin về lượng thí sinh đăng ký vào các ngành của trường mình. Chính vì vậy Bộ quy định những thí sinh đăng ký vào trường có tuyển sinh riêng phải điền phiếu bổ sung.

Thí sinh chỉnh sửa giấy báo thi tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM năm 2014. Ảnh: HTD

Cũng như các trường xét tuyển dựa trên kết quả thi, những trường tuyển sinh riêng trên cơ sở sử dụng kết quả học tập THPT, sau khi xét tuyển nguyện vọng 1 vẫn còn chỉ tiêu vẫn được phép tiếp tục cho thí sinh đăng ký nguyện vọng bổ sung. Tuy nhiên, Bộ yêu cầu các trường phải ghi rõ những điều này trong đề án tự chủ tuyển sinh và công bố công khai trên website của trường và các phương tiện thông tin đại chúng.

. Như vậy, dù đúng quy định nhưng có một thực tế rất mới là năm nay thí sinh có điểm thi ba chung dưới các mức điểm xét tuyển cơ bản vẫn được xét tuyển vào bậc ĐH. Thưa ông, với việc mở rộng cửa đầu vào này dư luận nghi ngại chất lượng đầu vào ĐH vốn đã thấp nay càng thấp hơn?

+ Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, yêu cầu “chỉ xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định” chỉ áp dụng đối với trường sử dụng kết quả kỳ thi ba chung. Như vậy những thí sinh có kết quả thi không đạt mức điểm xét tuyển cơ bản do Bộ quy định (nếu có) được đăng ký xét tuyển bằng kết quả học tập THPT vào trường tuyển sinh riêng là không vi phạm quy chế (nếu trường thực hiện đúng các quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh).

Về nghi ngại chất lượng đầu vào thấp, có những thông tin cần lưu ý sau: Theo số liệu thống kê của Bộ, số thí sinh có kết quả điểm thi trên các mức điểm xét tuyển cơ bản vào ĐH chiếm khoảng 63% tổng số thí sinh dự thi, trong khi đó tỉ lệ học sinh đạt mức điểm khá, giỏi ở THPT trung bình trên cả nước là 52,2%. Như vậy có thể nói, về cơ bản những thí sinh có kết quả học tập từ 6,0 trở lên (ngưỡng xét tuyển vào ĐH) đều có thể có kết quả thi trên mức xét tuyển cơ bản vào ĐH. Bởi vậy, trường hợp thí sinh có kết quả học tập từ 6,0 nhưng có điểm thi dưới sàn nếu có thì cũng không nhiều. Đối với những thí sinh này, các trường cần phải quan tâm đến năng lực học tập thực tế của các em sau này để có thể có những điều chỉnh chính sách phù hợp cho tuyển sinh những năm sau.

. Có thể hình dung như vầy, sang năm sẽ có hàng loạt trường tuyển sinh theo ba chung sẽ chuyển qua tuyển sinh theo kết quả học tập THPT vì nguồn tuyển dồi dào hơn. Lúc đó các trường CĐ, trung cấp sẽ “sống dở chết dở” vì tuyển sinh càng khó khăn hơn, thậm chí không còn người học. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

+ Tự chủ tuyển sinh nhằm mục đích tạo điều kiện cho các trường đưa ra được phương án tuyển sinh phù hợp với các ngành đào tạo của trường và nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Dù tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi chung hay xét kết quả học tập ở THPT, các trường đều phải quy định “ngưỡng” đảm bảo chất lượng. Chỉ những thí sinh có kết quả học tập trên “ngưỡng” mới được tham gia xét tuyển. Ngưỡng này đồng thời để phân luồng học sinh vào CĐ, trung cấp. Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đăng ký phải dựa vào điều kiện đảm bảo chất lượng của mình. Như vậy việc các trường tổ chức xét tuyển sử dụng kết quả THPT không làm thiếu hụt nguồn tuyển của các trường CĐ, trung cấp.

. Xin cảm ơn ông.

HUY HÀ

Tuy nhiên, các trường phải lưu ý: Mỗi phương thức tuyển sinh có ưu, nhược điểm riêng, các trường phải tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi lần tuyển sinh để từng bước nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Nếu trường nào không thực hiện được điều này mà chỉ quan tâm tới việc làm sao có thể tuyển được nhiều sinh viên nhất, chắc chắn xã hội và nhà tuyển dụng sẽ không chấp nhận và việc này sẽ quyết định tới sự tồn tại lâu dài của trường.

PGS-TS TRẦN VĂN NGHĨA, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm