Kỹ thuật ECMO là một hệ thống ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể giúp hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn khi bệnh nhân bị suy tim hoặc suy hô hấp nặng. Lúc này, nó được ví như phao cứu sinh cho những ca bệnh nặng khi tất cả phương pháp hồi sức khác thất bại.
Cân não cứu chữa bệnh nhân số 91
Một trong những trường hợp điển hình được cứu sống bằng ECMO tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy là phi công người Anh mắc COVID-19 (BN91). Những ngày đầu, bệnh nhân được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Lúc này, BV Bệnh nhiệt đới đã có hệ thống ECMO nhưng chưa có đội ngũ thực hiện lành tay nghề. Khi tình trạng phi công chuyển biến xấu, BV Chợ Rẫy đã cử bác sĩ (BS) sang hỗ trợ BV đặt ECMO cho bệnh nhân.
Thành viên của êkíp hội chẩn cho BN91, PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, chia sẻ trường hợp BN91 chưa có y văn trên thế giới.
Bệnh nhân có kháng thể kháng lại thuốc kháng đông trước khi đặt ECMO, trong ngày đầu máu đã đông đặc, phải thay màng ECMO.
Đến thời điểm phổi bệnh nhân gần như đông đặc, chỉ còn thông khí được khoảng 10%, các BS đã tính đến phương án ghép phổi trong khi kinh nghiệm ghép phổi của Việt Nam không nhiều, tiên lượng ca đại phẫu rất dè dặt.
“Có những đêm chúng tôi thức trắng, cân não quyết định sử dụng loại thuốc và phương án điều trị nào. Chúng tôi hay nói với nhau là mình đang “đi xiếc trên dây”, vô cùng áp lực và căng thẳng. Chỉ trong 57 ngày chạy ECMO, chúng tôi đã phải thay đến bảy màng ECMO. Đây là ca bệnh rất đặc biệt trên thế giới” - PGS Ngọc Thảo chia sẻ.
Được biết sau khi về Scotland từ ngày 11-7, nằm viện và tập vật lý trị liệu, BN91 đã có thể sinh hoạt, đi lại được bình thường.
Ngoài BN91, 2/5 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có nhiều bệnh lý nền, phải thở máy thời gian dài tại BV Phổi Đà Nẵng (BN472 và BN582) sau khi được các bác sĩ BV Chợ Rẫy điều êkíp cùng máy móc can thiệp ECMO đã hồi phục, xuất viện. Trong đó, BN582 có nhiều bệnh lý nền gồm tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cục bộ cộng thêm tình trạng tổn thương phổi nặng nề khi mắc COVID-19.
Bệnh nhân 584 mắc COVID-19 cám ơn bác sĩ trong ngày xuất viện. Ảnh: BVCC
Mua máy không là vấn đề
Theo BS Xuân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, mua máy ECMO không thành vấn đề, vấn đề là đào tạo êkíp thực hiện, chỉ cần sơ sẩy một chút, bệnh nhân sẽ tử vong.
Thời gian đầu thực hiện, BV gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những ca cần sự hỗ trợ giữa đêm, các BS có kinh nghiệm phải chạy vào BV hoặc qua BV khác đặt ECMO và đưa bệnh nhân về theo dõi. Dần dà BV đã xây dựng được đội ngũ BS, điều dưỡng thực hiện và theo dõi ECMO giỏi tay nghề.
“Hiện tại, BS trực nào của khoa cũng có thể thực hiện được kỹ thuật, không cần phải gọi người vào hỗ trợ như trước. Khoa Hồi sức cấp cứu có thể nhanh chóng thực hiện ECMO cấp cứu 24/24 giờ tại BV Chợ Rẫy hoặc đến các BV khác để thực hiện ECMO tại chỗ cho các bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong trên đường chuyển viện nếu không vận chuyển với ECMO, sau đó vận chuyển bệnh nhân về BV Chợ Rẫy điều trị tiếp” - BS Xuân chia sẻ.
BS Huỳnh Quang Đại, Khoa hồi sức cấp cứu, nhớ lại trường hợp một nam thanh niên (25 tuổi) chấn thương do tai nạn giao thông, đi xe máy té ngực đập vào dải phân cách, nhập viện với tình trạng dập phổi, nhiều xương sườn bị gãy. Mặc dù được hồi sức chống sốc, phẫu thuật, truyền máu, thở máy… nhưng phổi vẫn không trao đổi khí được.
“Nếu không đặt ECMO, cơ hội sống của bệnh nhân hầu như không có. Tình trạng thiếu ôxy sẽ gây suy đa cơ quan, dẫn đến tử vong. Khi thực hiện ECMO, chúng tôi sẽ đặt ống vào trong mạch máu của bệnh nhân, thường là tĩnh mạch để lấy máu đen đi qua máy. Máy có bộ phận bơm và màng trao đổi khí để chuyển máu đen thành máu đỏ giàu ôxy rồi bơm ngược lại vào người bệnh nhân. Lúc này ECMO như một cái phổi thứ hai của bệnh nhân, gánh vác nhiệm vụ, chức năng như phổi của bệnh nhân, còn phổi bệnh nhân sẽ được nghỉ ngơi” - BS Đại phân tích.
Theo BS Đại, ngoài các ca viêm cơ tim, viêm phổi nặng, một số trường hợp khác như dập phổi do chấn thương, tổn thương phổi do đạn bắn, bệnh lý thoát vị hoành, hít phân su ở trẻ em gây suy hô hấp hoặc nhồi máu cơ tim, sốc nhiễm trùng gây suy tuần hoàn cũng có thể được cứu sống với sự trợ giúp của ECMO.
Bệnh nhân 91 sau khi chạy ECMO hồi phục kỳ diệu.
“Đặt ECMO là một cuộc đại phẫu, không dễ dàng, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và sự kỹ càng. Ví dụ một mạch máu kích thước 6-8 mm lại nằm ở sâu, mấy ống lấy máu của ECMO rất to, gần bằng kích thước mạch máu nên rất khó khăn. Nếu không đặt cẩn thận có thể làm rách mạch máu hoặc tắc mạch máu, thậm chí thủng tim.
Sau 10-15 ngày, hệ thống màng ECMO thường bị tắc, hư hại, phải thay hệ thống mới. Lúc này bệnh nhân hầu như sống phụ thuộc máy nên khi có trục trặc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân. Hơn nữa, sau khi đặt máy, các BS phải luôn theo sát áp lực lấy máu ra, áp lực trả máu về, áp lực xuyên màng, chỉ số ôxy máu, chỉ số huyết áp để can thiệp kịp thời” - BS Đại phân tích.
Sau thế hệ đầu tiên được gửi đi đào tạo ở nước ngoài như BS Thảo (Phó Giám đốc BV), BS Xuân (Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu), BS Linh (Phó Khoa hồi sức cấp cứu), đến thời điểm hiện tại, BV Chợ Rẫy đã đào tạo được nhiều thế hệ BS kế thừa.
Biến chứng khi đặt ECMO Mặc dù giúp bệnh nhân hồi phục kỳ diệu nhưng phương pháp ECMO cũng có thể gặp phải những biến chứng nặng nề, ví dụ như bị thiếu máu phần chân nên phải cắt bỏ chân. “ECMO thường ưu tiên nuôi phần trên cơ thể như não, tim, cơ quan nội tạng, chân ít được nuôi nhất, có một số trường hợp chân bị thiếu máu dẫn đến hoại tử buộc phải cắt bỏ. Đây là biến chứng kinh hoàng khi chạy ECMO, xảy ra ở tất cả trung tâm ECMO thế giới với tỉ lệ 1%-5%, ở BV Chợ Rẫy biến chứng này là 2%. BS HUỲNH QUANG ĐẠI, Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy |
(PLO)- “Vạn sự khởi đầu nan”, ba ca đặt ECMO đầu tiên tại BV Chợ Rẫy TP.HCM đều thất bại nhưng không vì thế mà các bác sĩ nản lòng.