Nhạc sĩ Phú Quang đã ”... bỏ đi, trần gian xin trả lại”

Nhạc sĩ Phú Quang đã ”... bỏ đi, trần gian xin trả lại”

(PLO)- Trong lần trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM, nhạc sĩ Phú Quang nói: “Tình yêu của tôi với Hà Nội là một thứ tình yêu không thể ly dị được”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông đã rời cõi tạm, để lại cho những người yêu âm nhạc của ông những Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/ Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm. Con đường vắng, hàng phố cũ rêu phong… của Hà Nội giờ không còn bóng dáng một người yêu cuồng, yêu si Hà Nội đến thế.

Sáng 8-12, Fanpage của nhạc sĩ Phú Quang đăng dòng trạng thái là lời bài Lời rêu của ông để báo tin buồn: "Ngày mai ta bỏ đi/ Trần gian xin trả lại...". Nhắc đến nhạc sĩ Phú Quang, người yêu nhạc nhớ nhiều đến những ca khúc về Hà Nội, nhất là mùa thu.
Nhạc sĩ Phú Quang đã ”... bỏ đi, trần gian xin trả lại” ảnh 2
Những liveshow mang thương hiệu Phú Quang đều đặn đến với người Hà Nội, những người đến với âm nhạc của ông trong các chương trình âm nhạc, nói như từ dùng thời nay là những tệp khách hàng chung thủy với âm nhạc của ông.

Ông nổi tiếng với những bản tình ca, những ca khúc trữ tình như: Em ơi Hà Nội phố, Mơ về nơi xa lắm, Nỗi nhớ mùa đông, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Về lại phố xưa... những ca khúc đã trở thành một phần của Hà Nội. Bên cạnh đó là rất nhiều ca khúc nổi tiếng khác như: Điều giản dị, Biển nỗi nhớ và em, Chiều đông Mátxcơva, Một dại khờ một tôi, Khúc mùa thu, Thương lắm tóc dài ơi, Mùa hạ còn đâu...

Trong số kho tàng hơn 600 bài hát của ông có những ca khúc viết về Hà Nội đã nằm lòng với nhiều người dân thủ đô, trong đó phải kể tới ca khúc Em ơi Hà Nội phố, ra đời năm 1986. Ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ Em ơi Hà Nội phố được nhà thơ Phan Vũ viết vào năm 1972, trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún, trong những ngày Hà Nội chìm trong mưa bom B52 xối xả.

Tiết lộ về ca khúc này, nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ ông cùng nhạc sĩ Trần Tiến và nhà thơ Phan Vũ gặp nhau tại sân khấu TP.HCM vào một buổi chiều. Nhạc sĩ Phan Vũ đọc tặng ông bài thơ này, nghe xong nhạc sĩ Phú Quang xúc động nói: "Anh viết cho anh mà nghe anh đọc, em cứ nghĩ anh viết cho em. Anh yên tâm, từ bài thơ này của anh, em sẽ có bài hát rất hay. Em tin nó sẽ nổi tiếng". Chỉ hai ngày sau, bài hát Em ơi, Hà Nội phố ra đời.

Các ca khúc của ông thu hút người nghe ở nhiều độ tuổi khác nhau, đáp ứng đủ mọi yêu cầu về nghệ thuật cũng như đại chúng.

Nói về âm nhạc của Phú Quang, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ: Nhiều khi ta hay nghĩ nhạc của Phú Quang không được phong phú về màu sắc, hay thậm chí cứ tạm gọi là một màu; nhưng thực tế, đó lại là đóng góp lớn nhất của ông.

“Màu sắc âm nhạc trữ tình, tự sự và đoạn điệp khúc bùng nổ cảm xúc là một trong những đặc trưng Phú Quang. Nó phù hợp với "gu" nghe nhạc của người Việt. Phú Quang đã nắm bắt được, hoàn chỉnh và đưa nó đến mức độ phổ cập, "mặc định" với cái tên Phú Quang”- nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nói.

Theo anh, Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Nỗi nhớ mùa đông, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Chiều phủ Tây Hồ, Biển nỗi nhớ và em... rất nhiều ca khúc của Phú Quang sẽ còn cháy mãi trong trái tim người yêu nhạc.

Năm 2014 nhạc sĩ Phú Quang, người vừa được vinh danh là một trong 10 công dân thủ đô ưu tú nhân 60 năm ngày giải phóng thủ đô diễn ra tại TP Hà Nội vào ngày 10-10.

Tôi gặp ông trong căn nhà trong một ngõ nhỏ của Hà Nội thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội). Cuộc trò chuyện của chúng tôi ngày hôm đó chủ yếu nói về Hà Nội, nơi ông đã từng tạm xa và lại trở về.

Hà Nội với Phú Quang có từ những khi ông còn nhỏ, khi ông còn là một đứa trẻ thường đánh bi đánh đáo, chơi với đám bạn ở ven Hồ Tây. Ông và đám bạn rủ nhau lên rạp Kim Đồng xem phim, xem chưa đã lại về xem thêm ở mấy cái ống nhòm của các ông bán kẹo kéo. Rồi những âm thanh như tiếng tàu điện cũng đã đi suốt tuổi thơ ông.

“Và con người Hà Nội nữa, đừng xét nét quá vào vẻ bên ngoài mà phải hiểu từ thẳm sâu bên trong của họ thì sẽ thấy họ rất đáng yêu”- ông bộc bạnh.

Tác giả của Em ơi Hà Nội phố cũng dành cho TP.HCM nhiều tình cảm yêu quý, ông bảo mảnh đất ấy đã ưu ái cho ông rất nhiều. Mảnh đất ấy đã tạo điều kiện để ông phát huy khả năng của mình.

Khi được hỏi về tình yêu của mình với Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang nói: “Tình yêu của tôi với Hà Nội là một thứ tình yêu không thể ly dị được. Cuộc sống biến đổi nhưng tôi cho rằng khi người nghệ sĩ hiểu được thấu đáo đời sống hôm nay thì sẽ có tác phẩm hay. Muốn hiểu được tình yêu đó như thế nào có lẽ chúng ta phải đi xa”.

Chia sẻ với tác giả bài viết về những nỗi nhớ Hà Nội của mình khi đang ở TP.HCM, nhạc sĩ Phú Quang nói: “Có những nỗi nhớ tưởng như cụ thể mà không cụ thể, đôi khi chỉ là một ánh mắt, một cái bím tóc đuôi sam thôi, hay cả những nụ hôn lạnh ngày đông. Ngày xưa, Hà Nội có ai chờ nhau ở khách sạn đâu mà toàn chờ nhau ở gốc cây. Khi tôi đến thì cô gái của tôi ngồi dưới cơn mưa phùn, với vòng tay ướt và vành môi lạnh. Đó là những điều nhỏ bé nhưng khi đi xa rồi mới thật sự thấy nó thiêng liêng nhường nào”.

Đề cập đến những sáng tác cuả mình về Hà Nội, ông bảo, gần như những nhạc sĩ nổi tiếng đều có bài về Hà Nội. Người khác có thể viết một cách trực diện hơn, còn ông hay trầm tư và nghĩ về tình yêu của mình.

Với ông, mỗi người sáng tác có những mảng miếng, màu sắc khác nhau nhưng đọng lại đó đều là tình yêu thật. Nhạc của ông đều là những bài hát cất lên từ tình yêu thật, không hô khẩu hiệu như “Hà Nội ơi, Hà Nội à”…

“Công chúng đến với nhạc của tôi cũng từ một tình yêu Hà Nội chân thật, sâu đậm, chỉ có điều họ không phải là nhạc sĩ, không có phương tiện để diễn đạt tình yêu của mình như tôi mà thôi. Tôi trân trọng khán giả và khán giả có lẽ cũng vì thế mà trân trọng nhạc của tôi chăng!”- nhạc sĩ Phú Quang bày tỏ.

Năm 2019, xuất hiện trong chương trình Ký ức vui vẻ tập 10, nhạc sĩ Phú Quang khiến cả hội trường xúc động bởi câu chuyện đằng sau sáng tácChiều đông Mosco.

Trong chương trình, MC Quyền Linh đã vui mừng nhắc về những kỷ niệm đáng nhớ. Anh kể, lần ấy ghé thăm nhà nhạc sĩ Phú Quang, anh được đón tiếp như một người thân trong gia đình. Đặc biệt, anh còn được nghe nhạc sĩ Phú Quang đàn và hát ngay tại nhà. Khi được Quyền Linh nhắc về bản nhạc nổi tiếng Chiều đông Moscow, nhạc sĩ Phú Quang nghẹn ngào kể câu chuyện phía sau sáng tác ấy khiến nhiều người xúc động. Nhạc sĩ cho biết, năm đó ông có chuyến đi Moscow, được dịp tham quan một khu chợ trời, ghé lại mua hàng của một người Việt sang đây sinh sống.

Nam nhạc sĩ được người chủ gian hàng tặng món hàng đó vì biết ông là người Việt Nam. Người này thổ lộ sang Nga sinh sống đã lâu nên rất nhớ quê hương. Gặp được đồng hương trên đất khách, anh mừng rỡ tặng quà để vơi nỗi nhớ quê.

Trước khi lên đường về Việt Nam, nhạc sĩ Phú Quang chuẩn bị một chiếc đĩa hát cầu kỳ, đến khu chợ trời ấy tìm lại người bán hàng để tặng anh. Tuy nhiên, nam nhạc sĩ nhận tin buồn rằng chàng trai ấy đã ra đi vào hai ngày trước vì không chịu nổi cái lạnh khắc nghiệt nơi xứ người.

Chia sẻ của nhạc sĩ Phú Quang trong chương trình cũng là lần hiếm hoi ông xuất hiện trước công chúng.  Trước đó, cuối tháng 3-2011, ông đã nhập viện trước khi diễn ra liveshow “Biển, nỗi nhớ và em” tại TP.HCM vì tai biến mạch máu não. Ông phải nằm viện điều trị khoảng 1 tuần. Vào tháng 12-2018, trong đêm nhạc riêng của mình, nhạc sĩ Phú Quang cũng chia sẻ thông tin ông vừa nhập viện ít ngày vì bệnh nặng, tưởng không qua khỏi, phải nằm viện điều trị khoảng 1 tuần.

… Và đến hôm nay, vào 8 giờ 45 phút tại Bệnh viện Việt Xô, trái tim nhạc sĩ Phú Quang đã ngừng đập sau gần 2 năm trị bệnh ở tuổi 72 tuổi.

Nhận nhiều giải thưởng lớn vì tình yêu dành cho Hà Nội

Nhạc sĩ Phú Quang đã ”... bỏ đi, trần gian xin trả lại” ảnh 9
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949 tại Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội. Ông từng theo học tạo Nhạc viện Hà Nội, chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc, sau đó ông công tác tại các nhà hát và làm việc cho các dàn nhạc tại Hà Nội và TP.HCM. Năm 1986, nhạc sĩ Phú Quang rời Hà Nội và chuyển vào TP.HCM sinh sống. Tại đây, nhạc sĩ Phú Quang vẫn tiếp tục sáng tác những ca khúc về Hà Nội, nổi bật nhất là bản tình ca bất hủ Nỗi nhớ mùa đông. Được biết, ca khúc ra đời khi nhạc sĩ nhớ da diết cái lạnh của Hà Nội, nhớ mùa đông "buốt da buốt thịt" của miền Bắc. Đến năm 59 tuổi, nhạc sĩ Phú Quang trở về Hà Nội và thành lập một công ty giúp hỗ trợ và phát triển nghệ thuật.

Nhạc sĩ Phú Quang được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014" trong lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Năm 2020, nhạc sĩ Phú Quang vinh dự nhận Giải Thưởng Lớn trong lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Bà Trịnh Anh Thư, vợ nhạc sĩ Phú Quang, đã làm hồ sơ xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật 2021 cho chồng khi ông đang trên giường bệnh.

Tác giả

Đọc thêm