EU trừng phạt Nga vụ Navalny, quân đội Myanmar vụ chính biến

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) hôm 22-2 đồng ý áp trừng phạt vào các quan chức Nga vì vụ bắt nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny và quân đội Myanmar vì cuộc chính biến hồi đầu tháng.

EU áp trừng phạt, Nga nói đáng thất vọng

Các nhà ngoại giao EU nói với hãng tin AFP rằng lệnh trừng phạt sẽ nhằm vào bốn quan chức cấp cao của Nga được cho là chịu trách nhiệm cho việc đàn áp ông Navalny, dựa theo đạo luật nhân quyền mới của EU thông qua năm 2020.

Nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny tại tòa án quận Babuskinsky ở Moscow (Nga) hôm 20-2. Ảnh: Alexander Zemlianichenko/AP

Các nhà ngoại giao không nêu danh tính những cá nhân bị trừng phạt.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng lệnh trừng phạt nhằm gửi đi tuyên bố rằng “chúng tôi không sẵn sàng chấp nhận một số chuyện”, nói thêm nhưng điều cần thiết  là “chúng tôi phải tiếp tục đối thoại với Nga”.

Cao ủy của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell không xác nhận số người bị trừng phạt.

Ông Borrell cho biết ông sẽ chính thức công bố những cái tên bị trừng phạt, hy vọng các biện pháp trừng phạt sẽ được thực hiện trong một tuần.

“Chúng tôi phải trừng phạt những người có liên quan trực tiếp đến vụ bắt giữ, tuyên án và đàn áp anh ta” – ông Borrell nói.

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nói rằng quyết định trên, với lý do xa vời để chuẩn bị lệnh trừng phạt đơn phương mới trái pháp luật nhằm vào công dân Nga, thật đáng thất vọng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham gia cuộc họp của EU từ xa hoan nghênh quyết định, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price.

Cao ủy của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell (trái) gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó trong tháng 2-2021.

Hồi tháng 10-2020, EU đã đưa sáu quan chức vào danh sách đen vì vụ đầu độc ông Navalny bằng chất độc thần kinh Novichok hồi tháng 8-2020.

Hồi đầu tháng 2, Nga đã tuyên án tù gần ba năm với ông Navalny sau khi ông vừa từ Đức trở về sau nhiều tháng điều trị tại đó.

Việc ông Navalny bị kết án làm dấy lên các cuộc biểu tình toàn quốc, và lực lượng an ninh Nga đã bắt giữ hàng ngàn người.

Tại một cuộc họp với tám ngoại trưởng EU ở Brussels (Bỉ) hôm 21-2, hai cộng sự thân thiết nhất của ông Navalny đã thúc ép các biện pháp trừng phạt nhằm vào quan chức cấp cao của Nga.

 “Nếu chỉ có 10 quan chức Điện Kremlin không ra nước ngoài và không có tài sản ở nước ngoài thì quả thật điều đó sẽ không đau đớn” – trợ lý thân cận Leonid Volkov của ông Navalny nói.

Trừng phạt quân đội Myanmar

Các ngoại trưởng châu Âu đồng ý áp biện pháp trừng phạt nhằm vào quân đội Myanmar liên quan vụ chính biến hôm 1-2 và giữ lại một số viện trợ phát triển.

“Chúng tôi đã thực hiện thỏa thuận chính trị áp lệnh trừng phạt vào quân đội Myanmar chịu trách nhiệm cho cuộc chính biến và các lợi ích kinh tế của họ” – ông Borrell nói.

Người biểu tình phản đối chính biến ở Myanmar tập trung ở TP Yangon hôm 22-2. Ảnh: Naung Kham/CNA

“Tất cả hỗ trợ tài chính trực tiếp từ hệ thống phát triển của chúng tôi dành cho các chương trình cải cách chính phủ được giữ lại” – ông Borrell cho biết thêm.

Việc quân đội Myanmar bắt giữ lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi trong cuộc chính biến hôm 1-2 đã vấp làn sóng chỉ trích từ quốc tế. Quân đội Myanmar đã thực hiện cuộc đàn áp ngày càng đẫm máu nhằm vào người biểu tình.

Ông Borrell khẳng định EU sẽ không hạn chế quan hệ thương mại với Myanmar vì như vậy có thể ảnh hưởng đến dân số nói chung.

Ngoài ra, các bộ trưởng châu Âu đưa 19 quan chức Venezuela vào danh sách đen vì “phá hoại nền dân chủ” và vi phạm nhân quyền sau khi EU cho rằng cuộc bầu cử quốc hội Venezuela hồi tháng 12-2020 là không dân chủ.

EU đã thảo luận việc đàn áp đang diễn ra ở Belarus, nói rằng sẽ xem xét sự cần thiết của vòng trừng phạt thứ tư nhằm vào chính phủ của Tổng thống Alexander Lukashenko.

Các ngoại trưởng EU cũng quan tâm đến việc Trung Quốc đàn áp Hong Kong khi EU đánh giá xem liệu có nên tăng cường phản ứng hay không.

Ông Borrell cho biết Brussels sẽ xem xét hỗ trợ xã hội dân sự của Hong Kong như một bước đi đầu tiên và sẽ cân nhắc thêm các biện pháp nếu tình hình xấu đi.

Mỹ cam kết có thêm hành động kiên quyết chống quân đội Myanmar

Theo đài RT, Mỹ tuyên bố thực hiện thêm các biện pháp cứng rắn chống lại quân đội Myanmar.

Cảnh sát và quân đội chống buộc biểu tình ở Naypyidaw, Myanmar hôm 22-2. Ảnh: AFP

"Washington sẽ tiếp tục thực hiện hành động kiên quyết chống lại những người gây ra bạo lực nhằm vào người dân Myanmar. Chúng tôi sát cánh bên người dân Myanmar” – Ngoại trưởng Mỹ Blinken viết trên Twitter hôm 22-2.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho tất cả những người bị bắt vô cớ sau cuộc chính biến.

Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar trước đó cho biết vô cùng đau lòng trước việc một nữ sinh 20 tuổi bị bắt chết tại một cuộc biểu tình phản đối chính biến ở TP Naypyidaw.

Nữ sinh này tên là Ma Mya Thwet Thwet Khine, bị bắn vào đầu hôm 10-2 và tử vong hôm 20-2. Chính quyền quân đội Myanmar nói rằng nữ sinh này bị trúng loại đạn không phải do cảnh sát chống bạo động sử dụng.

Truyền thông địa phương đưa tin ít nhất bốn người đã bị lực lượng an ninh bắn chết kể từ ngày 7-2, khi quân đội trấn áp người biểu tình.

Cũng trong ngày 22-2, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án “vũ lực tàn bạo” do những người đứng sau cuộc chính biến Myanmar sử dụng, đồng thời hối thúc quân đội Myanmar ngay lập tức dừng đàn áp và phóng thích những người bị bắt.

“Hôm nay, tôi kêu gọi quân đội Myanmar ngay lập tức chấm dứt đàn áp. Phóng thích những người bị bắt. Chấm dứt bạo lực. Tôn trọng nhân quyền và ý chí của mọi người được thể hiện trong cuộc bầu cử gần đây” – ông Guterres nói trong bài phát biểu thường niên tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Ông khẳng định “đảo chính không có chỗ trong thế giới hiện đại của chúng ta”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm