Tập đoàn SCG của Thái Lan vừa thông báo đã ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để mua lại 29% cổ phần tại Nhà máy Hóa dầu Long Sơn. Giá trị của hợp đồng là 2.052 tỷ đồng.
Sau giao dịch, SCG đã nâng tỷ lệ nắm giữ Hóa dầu Long Sơn từ 71% lên 100%.
Thực ra, việc mua lại cổ phần từ tay PVN đã được SCG đề nghị vào đầu tháng 1-2018. Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp phép đầu tư năm 2008 với vốn đầu tư 3,7 tỷ USD với sự tham gia của 3 tập đoàn: Petro Vietnam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn SCG của Thái Lan.
Sau nhiều khó khăn Vinachem rút vốn và thế chỗ vị trí này là Tập đoàn Qatar Petroleum International (QPI). Đầu tháng 4-2017, QPI cũng quyết định rút toàn bộ vốn tại Tổ hợp hóa dầu Long Sơn và chuyển nhượng phần vốn này cho SCG. Nhờ đó, vốn của SCG tại tổ hợp này nâng từ 46% lên 71%.
Ban đầu dự án có vốn khoảng 3,7 tỉ USD sau đó đã được điều chỉnh lên tới hơn 4 tỉ USD và hiện là 5,4 tỉ USD. Long Sơn là tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn.
Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng trong bốn năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2022.
Với tổng diện tích 464 ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, dự án sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm trong quá trình xây dựng và hơn 1.000 việc làm khi đi vào vận hành thương mại.
Tổ hợp này dự kiến sẽ đóng góp cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngân sách quốc gia ước khoảng 115 triệu đôla mỗi năm trong suốt 30 năm từ khi đi vào hoạt động.
Thời gian qua thị trường chứng kiến thêm nhiều doanh nghiệp Việt hoạt động trong các lĩnh vực như xi măng, vật liệu xây dựng, giấy, nhựa, hóa chất bị "gã khổng lồ" SCG thâu tóm.