Gas lậu bùng phát

Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2014, Chi hội Gas miền Nam phối hợp cùng cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện ba trạm sang chiết gas lậu với quy mô lớn ngay tại quận 9 (TP.HCM). Đáng chú ý, có những trạm sang chiết gas lậu vi phạm nhiều lần. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Trần Văn Nghị, Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, về vấn đề này.

Xử phạt còn nhẹ và thiếu thống nhất

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình trạng sang chiết gas lậu hiện nay?

+ Ông Trần Văn Nghị: Việc chiết nạp gas lậu, bán hàng nhái thương hiệu, chiếm đoạt tài sản người khác (ở đây là vỏ bình gas), trốn thuế… diễn ra phổ biến với mức độ nghiêm trọng. Điều này làm cho môi trường đầu tư của ngành không lành mạnh, ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp (DN), ngân sách và đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi người tiêu dùng.

. Các trạm sang chiết nạp lậu dù bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Tại sao như vậy?

+ Sang chiết lậu đem lại lợi nhuận rất lớn mà việc xử phạt như hiện nay là chưa đủ tính răn đe. Hơn nữa, việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas có rất nhiều quy định của pháp luật nhưng mỗi nơi lại áp dụng hình thức xử phạt khác nhau. Chẳng hạn như cùng hành vi thu gom, chiếm dụng vỏ bình của thương nhân khác để sang chiết trái pháp luật; cắt tai, mài vỏ dán nhãn hiệu của vỏ bình gas... nhưng có nơi xử phạt hành chính và tịch thu vỏ bình trả cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc bán đấu giá vỏ bình nhưng có vụ giao tang vật cho đối tượng vi phạm và tang vật bị tẩu tán...

 
Hàng trăm bình gas bị cơ quan chức năng phát hiện tại trạm sang chiết lậu ở quận 9. Ảnh: T.UYÊN

Siết chặt quy trình cung ứng gas

. Nhiều ý kiến cho rằng chính các DN trong hiệp hội là đơn vị bán gas cho các trạm chiết nạp lậu. Ông nhận định như thế nào?

+ Nếu nói là DN lớn bắt tay với gas giả thì không đúng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hiệp hội cũng đang hết sức quan tâm và đang tìm các giải pháp để ngăn ngừa. Nghị định 107/NĐ-CP đã quy định rõ quy trình hoạt động kinh doanh gas. Tuy nhiên, công tác giám sát còn kém khiến các DN bán gas cho nhau một cách dễ dàng.

. Vậy cơ quan chức năng phải lưu ý điều gì, thưa ông?

+ Phải rà soát lại. Một là giám sát chặt chẽ các trạm chiết nạp thuê để không tạo điều kiện cho những nhà phân phối trộn thêm hàng nhái thương hiệu để tung ra thị trường. Hai là quản lý bán hàng bằng xe bồn chặt chẽ hơn, tránh tình trạng mua bán lòng vòng, tiếp tay cho các đơn vị sang chiết lậu.

. Còn phía chi hội có giải pháp nào?

+ Chi hội phải tăng cường hợp tác liên kết, xây dựng niềm tin giữa các thành viên, chia sẻ các dịch vụ của nhau để đảm bảo gas giả không thâm nhập vào hệ thống. Chủ động minh bạch hóa thông tin để người tiêu dùng và các tổ chức đoàn thể có thể tham gia giám sát, ngăn chặn vấn nạn làm giả, bảo kê làm hàng giả. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan quản lý điều chỉnh một số quy định pháp lý cho phù hợp hơn với thực tiễn.

. Xin cảm ơn ông.

TÚ UYÊN

 

Kinh doanh gas phạm pháp rất “lỳ đòn”

Mới đây, PC46 Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện trạm chiết nạp gas của Công ty TNHH Thái Lan đang chiết nạp gas trái phép, đã tạm giữ 137 bình gas mang nhiều thương hiệu, hơn 1.600 cái màng co... Trước đó, trạm chiết nạp này đã bị PC46 Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang sang chiết gas trái phép, chiếm đoạt và làm giả vỏ bình. Tương tự, ngày 3-4, PC46 Công an tỉnh Long An phối hợp Chi cục QLTT phát hiện Công ty TNHH TMDV Minh Phúc - thuộc Công ty Hà Linh, lực lượng chức năng đã tạm giữ khoảng 1.000 bình gas. Từ cuối năm 2011 đến 2013 công ty này ba lần bị xử phạt về hành vi nạp gas, chứa bình gas trái quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm