Ngày 15-4, BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ, cho biết BV vừa gây mê thành công cho một bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cấp cứu đã bị sốc phản vệ với thuốc gây mê ở tuyến trước.
Bệnh nhân là bà BNT (42 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau), bị đau bụng nhiều ngày và nhập viện ở địa phương, được chẩn đoán viêm túi mật cấp do sỏi kẹt cổ túi mật, được chỉ định mổ cấp cứu.
Sau khoảng 5 phút gây bằng Fentanyl, Propofol, Notrium, bệnh nhân có dấu hiệu da nổi mẩn đỏ, xanh tái toàn thân, mạch nhanh nhẹ, khó bắt. Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành xử trí theo phác đồ sốc phản vệ và chuyển bệnh nhân lên BVĐK Trung ương Cần Thơ.
Êkíp tiến hành gây mê cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tại đây, BS hội chẩn nhiều chuyên khoa chẩn đoán bệnh nhân viêm túi mật cấp do sỏi kẹp cổ túi mật, sốc phản vệ do thuốc gây mê nghĩ nhiều đến thuốc giãn cơ giờ 24h (hiện tại huyết động ổn định). Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu với phương pháp gây mê nội khí quản.
Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không sốt, bụng mềm, vết mổ khô. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sau khi gây mê, bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi. Theo các bác sĩ, đây là một trường hợp rất khó, yêu cầu phải chẩn đoán nhanh và xử trí kịp thời theo đúng phác đồ sốc phản vệ của tuyến dưới. Cạnh đó đòi hỏi sự phối hợp tốt của êkíp gây mê hồi sức và phẫu thuật viên, quan trọng nhất là vai trò của gây mê hồi sức.
Theo lý thuyết, bệnh nhân phải được tiếp tục theo dõi ở đơn vị hồi sức nhưng thời gian không cho phép vì túi mật dọa hoại tử nên phải tiến hành gây mê lần 2 mặc dù có nhiều nguy cơ và rủi ro. Kết quả là bệnh nhân được đảm bảo an toàn trong suốt cuộc mổ.
Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Khi bệnh nhân xuất viện, bác sĩ sẽ thông tin về thuốc đã gây dị ứng và gửi bệnh nhân đến bác sĩ miễn dịch để có thăm dò chuyên sâu.