Chiều 12-4, bác sĩ (BS) Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho biết BV này vừa điều trị một trường hợp hy hữu: Gãy xương do vật tay với bạn.
Trước đó, BV nói trên tiếp nhận anh TTN (25 tuổi, ở quận 3, TP.HCM) trong tình trạng gãy cánh tay phải. Anh N. cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do vật tay quá trớn với bạn.
Sau hai tuần điều trị xương gãy, cánh tay anh N. ổn định, không nhiễm trùng. Anh N. bắt đầu tập nhẹ phục hồi chức năng gấp duỗi khuỷu.
Theo BS Khánh, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp gãy xương cánh tay với nhiều nguyên do. Tuy nhiên, nguyên nhân gãy xương cánh tay do vật tay rất hiếm gặp.
Hình chụp X-quang trước mổ cho thấy xương gãy chéo và xoắn phức tạp. Ảnh: BVCC
“Xương cánh tay là một xương lớn của chi trên, khi gãy rất dễ gây biến chứng liệt thần kinh quay (thần kinh chi phối vận động duỗi cổ tay và các ngón tay). Đa phần gãy xương cánh tay đều phải phẫu thuật” - BS Khánh nói.
BS Khánh còn cho biết do cơ chế vật tay nên khi gãy xương cánh tay đa phần đường gãy chéo dài và xoắn phức tạp nên nguy cơ tổn thương thần kinh quay rất cao. Anh N. may mắn không rơi vào trường hợp nói trên.
Ngoài ra, việc sơ cứu gãy xương cánh tay đúng kỹ thuật rất quan trọng. Đã xảy ra trường hợp bệnh nhân sau gãy xương cánh tay không liệt thần kinh quay nhưng do sơ cứu ban đầu không đúng cách khiến bệnh nhân bị liệt thần kinh quay.
“Cố định tay gãy bằng băng vải. Treo cánh tay lên, để cánh tay áp sát ngực, bàn tay và cẳng tay cao hơn khuỷu tay. Tiếp theo, dùng 2-3 thanh cây cố định chỗ gãy, dùng băng thun quấn cố định. Nếu bệnh nhân đau, có thể cho uống thuốc giảm đau thông thường và chườm lạnh. Trong trường hợp gãy xương hở, lấy băng gạc sạch phủ lên vết thương, băng ép vết thương có trọng điểm” - BS Khánh hướng dẫn.