Ngày 28-10, hàng nghìn người Georgia xuống đường ở thủ đô Tbilisi để biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử quốc hội nước này vừa qua, theo tờ The Guardian.
Georgia tổ chức bầu cử quốc hội hôm 26-10. Chiến thắng thuộc về đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền với 54% phiếu bầu (89/150 ghế trong quốc hội), trong khi đảng về nhì Liên minh vì Thay đổi (CfC) chỉ được hơn 11% phiếu bầu (19/150 ghế).
Các đảng đối lập với quan điểm thân phương Tây bác bỏ kết quả kiểm phiếu và cáo buộc gian lận bầu cử, đồng thời tuyên bố chỉ chấp nhận một điều kiện duy nhất là tổ chức cuộc bầu cử mới do một tổ chức quốc tế, ví dụ như Liên minh châu Âu (EU), quản lý.
Khoảng 6 giờ tối 28-10 (tức 9 giờ tối cùng ngày, giờ Việt Nam), các lãnh đạo đối lập tuyên bố giải tán biểu tình.
Các quan chức của đảng Giấc mơ Georgia cảnh báo rằng phe đối lập có ý định lợi dụng cáo buộc gian lận bầu cử để kích động bất ổn dân sự giống sự kiện năm 2014 ở Ukraine.
Tổng thống Georgia- bà Salome Zourabichvili (độc lập, không thuộc đảng nào) cũng lên án cuộc bầu cử là bất hợp pháp và kêu gọi biểu tình trên đường phố để buộc chính phủ phải đồng ý tổ chức lại cuộc bầu cử.
Tổng thống Zourabichvili cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Georgia và cho biết bà đang thuyết phục nhiều nước không công nhận kết quả bầu cử, theo đài DW.
Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc của bà Zourabichvili và cáo buộc ngược lại rằng chính phương Tây đã công khai tác động vào cuộc bầu cử hôm 26-10, theo RT.
Mỹ và EU kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện về các cáo buộc gian lận bầu cử.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 28-10 cáo buộc cuộc bầu cử ở Georgia được tổ chức trong “môi trường chịu ảnh hưởng từ các chính sách của đảng cầm quyền bao gồm việc sử dụng sai nguồn lực công, mua phiếu bầu và đe dọa cử tri”, theo RT.
Ông Miller cảnh báo Georgia về “những hậu quả tiếp theo nếu chính quyền Georgia không thay đổi đường hướng”, lưu ý tới quan hệ mà Tbilisi đã thúc đẩy với cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương.
Georgia là quốc gia được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mô tả là “một trong những đồng minh thân thiết nhất” của khối. Tbilisi đã đặc biệt xích lại gần phương Tây kể từ năm 2008.
Thủ tướng Georgia - ông Irakli Kobakhidze tái khẳng định mong muốn gia nhập EU nhưng lưu ý rằng Tbilisi sẽ thảo thuận những điều khoản riêng để đảm bảo chủ quyền quốc gia và lợi ích của người dân.