Thân nhân người hiến cần hiểu rõ về chết não để không bức xúc.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào bảo vệ người hiến tạng không bị lạm dụng. Làm thế nào xác định họ chết não thật sự trong khi quan niệm truyền thống của y học là còn nước còn tát. Nhiều thân nhân người bệnh cho rằng người thở máy, tim mạch vẫn còn thì không thể gọi là chết, không được phép lấy tạng.
Thế nào là chết não?
GS Francis L. Delmonico (Mỹ), Chủ tịch Hội Ghép tạng thế giới, cố vấn ghép tạng ở người của Tổ chức Y tế thế giới, giải thích nếu não không còn hoạt động dù thở máy, tim đập thì vẫn không thể gọi là sống. “Bệnh nhân thở được là nhờ máy thở. Cần phải đưa X-quang não cho gia đình bệnh nhân xem nó bị chảy máu, tổn thương, hay có u và giải thích rằng đó là chết não và không phục hồi được” - GS Francis cho biết.
Theo GS Francis, khi hô hấp và chức năng của não chấm dứt hoạt động thì người bệnh được xem là chết. Điều quan trọng để biết chức năng của não bị mất là họ không thể tự thở được.
"Việc ngưng tim, phổi kéo dài làm cho não bị tổn thương, vỏ não và thân não bệnh nhân mất chức năng, lúc này xác định bệnh nhân không bao giờ phục hồi được và tuyên bố bệnh nhân chết. Khi đó, được phép tuyên bố lấy tạng của bệnh nhân này. Nhiều quốc gia hiện nay đang sử dụng khái niệm này, đó là nhân đạo" - GS Francis nói.
Mặc dù kỹ thuật ghép tạng trong nước hiện nay gần ngang bằng các nước tiên tiến nhưng người được ghép tạng, đặc biệt là ghép gan, tim… đếm trên đầu ngón tay. Trong ảnh: Một bệnh nhi chuẩn bị được ghép gan tại BV Nhi đồng 2. Ảnh: DUY TÍNH
GS Francis cho rằng để phát triển chiến lược ghép tạng, cần tạo nên hệ thống người hiến tạng, cần quy định rõ ràng, công khai về chẩn đoán chết não để tránh người dân hoài nghi. Cần giáo dục y đức cho các bác sĩ và xây dựng luật bảo vệ những người hiến tạng, bảo đảm rằng việc lấy tạng để ghép cho người khác không phải là nguyên nhân gây tử vong của bất cứ người hiến tạng nào.
Hiến tạng là việc làm nhân đạo
GS Nghiêm Đạo Đại, nguyên Giám đốc Phân khoa Ghép tạng, BV Đa khoa Allegheny, Pittsburgh, PA (Mỹ), cho rằng Việt Nam cần phát triển chiến lược truyền thông ghép tạng để gia tăng số người hiến tạng, giúp mọi người hiểu hiến tạng là một việc làm mang tính nhân đạo, đem lợi ích cho xã hội, có thể giúp đỡ những người suy tạng vượt qua cơn hiểm nghèo. Đồng thời, phải đảm bảo tính công bằng trong việc ghép tạng, bằng cách lập danh sách những người cần ghép tạng và khi có tạng từ người hiến thì người nhận sẽ được lấy ngẫu nhiên trong danh sách, xóa bỏ quan niệm hiến tạng chỉ để phục vụ cho những người giàu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết cuối năm nay, Bộ sẽ ban hành năm thông tư và nghị định liên quan đến ghép mô, thận. Bộ cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để hoạt động ghép mô, thận phát triển và cho người dân hiểu biết đầy đủ thông tin về cho và nhận mô thận. Song song đó, Bộ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho ghép thận.
“Ngoài ra, để việc quản lý và phân phối mô, thận hiến đúng luật và đúng tinh thần nhân đạo, Bộ sẽ giao một đơn vị làm trung tâm điều phối ghép thận trực thuộc Bộ. Đồng thời, ngăn chặn những đối tượng lợi dụng chủ trương để mua bán thận” - bà Xuyên nói. Đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị Hội Ghép tạng thế giới hỗ trợ Việt Nam phát triển ghép tạng. Bộ cũng đang xem xét thành lập Hội Ghép tạng Việt Nam. “Hội Ghép tạng thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam thiết lập chương trình cho và lấy thận, kể cả phương tiện kỹ thuật” - GS Francis khẳng định.
Bốn phụ nữ hiến thận cứu bảy người Ngày 29-11-2006, Quốc hội thông qua Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác (gọi tắt là Luật hiến, ghép tạng). Đây là cơ sở pháp lý cho hoạt động này, tuy nhiên trong thực tế hoạt động hiến, ghép tạng vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trường hợp hiến tạng chết não. Ngày 23-4-2008, trường hợp hiến tạng chết não đầu tiên do tai nạn giao thông diễn ra tại BV Chợ Rẫy. Người hiến thận là chị NTT (18 tuổi, Bình Dương). Người nhận là mẹ ruột của nạn nhân bị suy thận giai đoạn cuối. Ngày 11-2-2010, có đến hai trường hợp phụ nữ chết não là bà TTH (66 tuổi) và bà ĐTT (52 tuổi, quận 8) xin hiến tạng cứu người. BV Chợ Rẫy đã dùng bốn quả thận của hai người này ghép cho bốn bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Ngày 12-8-2010, bà TTM đã đến BV Chợ Rẫy xin hiến tạng, xác hiến cho ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Bốn phụ nữ này đã cứu sống được bảy người suy thận giai đoạn cuối. Đó là những tấm lòng cao cả, là gương điển hình mà xã hội cần quan tâm nhân rộng. Trong hai ngày 3 và 4-12, các chuyên gia ghép tạng trong nước và chuyên gia ghép tạng đến từ Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ đã tham dự hội thảo Chiến lược ghép tạng tại Việt Nam do BV Chợ Rẫy tổ chức. Hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp để phát triển lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam, đặc biệt là vấn đề ghép tạng chết não và hiến tạng chết não. |
Số lượng hiến và ghép tạng ở Việt Nam còn rất thấp Theo báo cáo của Hội Ghép tạng thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 triệu người cần ghép gan, thận, tụy, tim… Tuy nhiên, số người được ghép chỉ đạt khoảng 10%. Số người chết hiến tạng cao nhất ở châu Âu (79%), châu Mỹ (60%), trong khi đó châu Phi là 9% và châu Á chỉ có… 4%. Tại Việt Nam, sau 18 năm ghép tạng, Việt Nam ghép được hơn 400 ca thận, 15 ca gan… TS-BS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy, cho biết sau 18 năm ghép thận, nơi này chỉ mới ghép vỏn vẹn 200 ca, trong đó có bảy ca được ghép từ người chết não hiến tặng. Ngoài ra, tại khu vực phía Nam, BV 115 ghép được 34 ca, Nhi đồng 2 bảy ca, Gia Định năm ca và Kiên Giang hai ca. Đây là con số quá khiêm tốn so với lượng người bệnh có nhu cầu ghép thận. ___________________________________________________ Luật hiến, ghép tạng Việt Nam quy định chỉ lấy tạng người cùng huyết thống, tự nguyện từ người cho sống, cấm mua bán, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự. Luật cũng cấm ra nước ngoài bán thận, nếu bị phát hiện, khi về cũng bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, người Việt Nam qua Trung Quốc ghép tạng thì xử lý thế nào, luật còn bỏ ngỏ. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn cho tạng. Một khi trong nước không có tạng, bệnh nhân tìm nguồn từ người cho và đến Trung Quốc phẫu thuật. Ông TRẦN QUÝ TƯỜNG, Từ năm 1992 đến 2002, tại BV Hữu Nghị Việt Đức chỉ có 60 bệnh nhân ghép thận từ người cho sống trong nước nhưng khoảng thời gian này lại có đến 200 người sang Trung Quốc ghép thận. Khi nhu cầu ghép thận bệnh nhân cao mà ngành y tế trong nước không đáp ứng được thì việc ra nước ngoài ghép thận là tất yếu. Nhưng một thực tế tồn tại là chăm sóc y tế cho bệnh nhân ra nước ngoài ghép tạng trở về Việt Nam rất khó khăn. Bởi thông tin mà bệnh nhân mang về chỉ có một vài dòng, bác sĩ sẽ không biết được tiền sử bệnh của người cho như thế nào, quá trình ghép ra sao… để theo dõi các biến chứng. Có những trường hợp thải ghép phải ghép lại và chết. TS-BS HÀ PHAN HẢI AN, BV Hữu nghị Việt Đức |
DUY TÍNH