Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung còn hạn chế vì... thiếu tiền​

Báo cáo sơ bộ của Chính phủ gửi các cơ quan của Quốc hội cập nhật số liệu về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật từ ngày 1-10-2020 đến 31-7-2021.

Luật sư được tạo thuận lợi tham gia hoạt động tố tụng hình sự

Liên quan đến công tác điều tra, xử lý tội phạm, báo cáo của Chính phủ cho hay Bộ Công an đã xây dựng đề án tổng thể về nâng cao năng lực của cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Bộ Công an cũng tham mưu triển khai xây dựng dự án xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự…

“Nhìn chung, công tác điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện đúng quy định của pháp luật, có sự giám sát chặt chẽ của VKS các cấp” - báo cáo của Chính phủ nhận định.

Phiên họp thường trực Ủy ban Tư pháp mở rộng để thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ ngày 6 và 7-9. Ảnh: QH

Theo Chính phủ, 100% vụ việc có dấu hiệu tội phạm đều được khởi tố vụ án để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Tỉ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều đạt chỉ tiêu Quốc hội giao và ở mức cao.

Đặc biệt, Chính phủ đánh giá việc thu thập chứng cứ, vật chất, bảo quản, xử lý vật chứng được thực hiện theo đúng trình tự, góp phần tích cực trong việc chứng minh tội phạm. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tạm giữ, tạm giam tiếp tục được quan tâm, thực hiện đúng quy định…

“Cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, người giám hộ, người bào chữa, trợ giúp pháp lý tham gia hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật…” - báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận các vi phạm trong công tác điều tra, xử lý tội phạm đã giảm nhưng còn xảy ra. Chẳng hạn như đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; kết thúc điều tra mà không chứng minh được bị can phạm tội; VKS không phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra.

Ngoài ra, có 37 người bị tạm giam, tạm giữ trốn (tăng hơn 15%), 24 đối tượng chết (giảm hơn 11%), 36 đối tượng phạm tội mới (giảm 7,7%) trong các cơ sở giam giữ…

10 tháng, khởi tố hơn 104.000 vụ án

Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1-10-2020 đến 31-7-2021, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý hơn 104.000 vụ án (tăng hơn 11%) với hơn 154.700 bị can (tăng gần 13%); trong đó khởi tố mới hơn 74.100 vụ với hơn 110.700 bị can.

Cơ quan điều tra đã kết luận điều tra, đề nghị VKS các cấp truy tố hơn 60.400 vụ (tăng hơn 9,7%) với 110.600 bị can (tăng hơn 11,6%); tạm đình chỉ điều tra gần 13.500 vụ (tăng gần 9%) với 2.370 bị can (tăng 3,4%); đình chỉ điều tra gần 3.230 vụ (tăng gần 27,8%) với 1.930 bị can (tăng hơn 6,2%). 

 

20 bị can là cán bộ công an xâm phạm hoạt động tư pháp

Lý giải về nguyên nhân, Chính phủ cho rằng tổng số vụ án khởi tố mới đang ở mức rất cao và tăng dần trong nhiều năm, trong khi biên chế điều tra viên, cán bộ điều tra còn thiếu. Theo báo cáo, trung bình mỗi năm một điều tra viên công an cấp huyện thụ lý điều tra 12 vụ án, thụ lý giải quyết 15 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và VKS cùng cấp trong điều tra, giải quyết vụ án ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thống nhất, nhất là trong thu thập, đánh giá chứng cứ dẫn đến VKS trả hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung.

Cũng theo Chính phủ, đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị; được bố trí công tác theo tiêu chuẩn chức danh và thường xuyên được tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực.

Tuy nhiên, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của điều tra viên các cấp còn chưa đồng đều, thiếu về mặt số lượng so với yêu cầu công tác. Nếu tính bình quân mỗi năm một điều tra viên thụ lý sáu vụ án, tám tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố thì còn thiếu khoảng 4.000 điều tra viên.

“Tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của một số ít điều tra viên còn kém, dẫn đến hiệu quả, chất lượng công tác chưa cao; cá biệt còn vi phạm trong hoạt động điều tra đến mức bị xử lý hình sự” - báo cáo nêu và dẫn chứng 12 vụ án bị khởi tố với 20 bị can là cán bộ công an xâm phạm hoạt động tư pháp.

Việc ghi âm, ghi hình lấy lời khai còn hạn chế

Phát biểu tại phiên họp Thường trực Ủy ban Tư pháp mở rộng để thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ hồi đầu tuần, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng một số nội dung liên quan đến quyền của những người bị buộc tội, người vi phạm pháp luật chưa được báo cáo nêu và làm rõ tồn tại, hạn chế.

Ông Thịnh dẫn chứng vấn đề ghi âm, ghi hình đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự cũng như số hóa các tài liệu có liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội để họ sử dụng trong bào chữa đến nay vẫn chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật.

“Việc ghi âm, ghi hình có âm thanh của cơ quan điều tra liên quan đến thẩm vấn, lấy lời khai người bị buộc tội đã thực hiện đến đâu? Tại sao đến nay chưa có bị can nào được đọc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội… kể từ khi kết thúc điều tra? Việc thực hiện số hóa các tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội của bị can đang gặp phải những khó khăn gì mà chưa thực hiện được các quy định của nghị quyết Quốc hội cũng như quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015?” - ông Thịnh nêu hàng loạt câu hỏi.

Cũng theo chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, báo cáo của Chính phủ nêu những khó khăn của các cơ quan thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật như tình trạng thiếu điều tra viên; tinh thần, đạo đức nghề nghiệp của một số điều tra viên kém, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác và vi phạm những quy định của công tác điều tra, xử lý tội phạm.

“Tuy nhiên, báo cáo lại chưa nêu được các giải pháp để củng cố, xây dựng lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật này ngày càng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và khắc phục những nội dung nêu trên” - ông Thịnh nói.

Trả lời sau đó, Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, thừa nhận rằng vấn đề ghi âm, ghi hình đều đã được Quốc hội, Chính phủ cho chủ trương.

“Chúng tôi cũng họp rất nhiều phiên bàn việc này nhưng lực bất tòng tâm vì tiền chưa có” - ông Tỏ nói tiếp và cho biết hiện đã có dự án nhưng còn phụ thuộc vào nhiều việc, nhiều cơ quan, không chỉ do Bộ Công an quyết định.

1.400 chiến sĩ công an nhiễm bệnh

Báo cáo của Chính phủ cho biết đã có hơn 1.400 chiến sĩ công an nhiễm dịch bệnh, trong đó có sáu chiến sĩ tử vong, ba chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống COVID-19.

Trung tướng Trần Quốc Tỏ cho biết trong 10 tháng qua, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến công tác an ninh trật tự. Thời gian qua, lực lượng công an phải tập trung chính cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Nhiều việc khác thuộc nhiệm vụ của ngành phải gác lại. Chẳng hạn xử lý đơn thư, tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố hay tiếp công dân theo quy định.

“Vừa rồi, lực lượng công an đã tăng cường 45.000 công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã nhưng bây giờ chủ yếu xử lý các vấn đề về đại dịch” - Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới