Hành vi giả dạng ăn xin có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay tôi thấy có tình trạng ăn xin xuất hiện trên đường phố. Báo chí cũng đã có phản ánh việc một số người do lười biếng nên đã giả dạng ăn xin để lợi dụng lòng thương của người khác.
Xin hỏi những người giả dạng ăn xin có bị xử phạt không?
Bạn đọc Đỗ Hợp (TP.HCM)
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Hiện nay có tình trạng một số cá nhân giả dạng ăn xin để lợi dụng lòng thương của người khác, gây bức xúc dư luận. Tùy theo mức độ vi phạm mà hành vi giả dạng ăn xin có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo điểm c khoản 1 và khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021, phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, từ chối trả lại tài sản đã vay, mượn, thuê của người khác, nhận tài sản từ người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có khả năng nhưng cố tình không trả.
Ngoài xử phạt hành chính, hành vi giả dạng ăn xin còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021.
- Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021.
Nếu hành vi có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người giả dạng ăn xin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với mức hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù tùy theo mức độ vi phạm.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến năm năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.