Những gian bếp chẳng mấy khi đỏ lửa
4 năm sống với nhau, vợ chồng Hải - Minh, 28 tuổi (Tôn Đức Thắng, HN) đã có một công chúa đáng yêu 2 tuổi. Thế nhưng phần vì Minh chẳng thích nấu ăn, phần vì công việc quá bận, lại phải chăm con nhỏ nên gian bếp nhà cô chẳng mấy khi đỏ lửa.
Hàng xóm ai cũng đùa bảo họ là đôi vợ chồng “cơm hộp”. Thực tế, một tuần có 7 ngày thì có tới 6 ngày, thậm chí cả tuần gia đình trẻ này đi ăn hàng.
Hải (chồng Minh) làm Giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản lớn nên thời gian làm việc của anh bận lu bù. Rất ít khi Hải có thể thu xếp về nhà ăn cơm cùng vợ con trước 9h tối.
Còn Minh là nhân viên công ty kiểm toán trực thuộc Bộ Tài chính nên cũng ít khi rảnh. Thay vì tự chuẩn bị bữa tối đợi chồng về nhà, Minh toàn tạt vào một nhà hàng hay quán ăn nào ăn qua loa rồi về nhà.
Nhà có con nhỏ 2 tuổi nhưng người mẹ trẻ này cũng ít khi lích kích chuẩn bị cháo hay đồ ăn tươi cho con. "Cứ cuối mỗi tuần, mình thường bỏ nửa ngày đi siêu thị và nấu cháo đông lạnh chia thành từng bữa cho con. Mỗi lúc con cần ăn cháo, mình chỉ mở tủ lạnh và vi sóng là con đã có tô cháo ăn tiện lợi, vẫn đủ dưỡng chất".
Minh cũng chia sẻ thêm: “Thường thì chồng mình khoảng 11h mới về nhà, lúc ấy con gái đã ngủ. Anh thường nói giờ còn trẻ, phải phấn đấu làm lụng vì tương lai. 4 năm qua, vợ chồng mình cũng cố gắng mua được 2 cái nhà. Vì bận rộn nên chúng mình thường ai có thân nấy lo và ăn hàng. 4 năm ăn hàng đến nhẵn cả mặt mà cuộc sống vẫn ổn”.
Nhiều vợ chồng trẻ quá bận với công việc nên ăn nhà hàng như cơm bữa (Ảnh minh họa)
Gia đình trẻ có nên cơm hộp quanh năm?Thấy vợ chồng Loan - Hùng nhà cửa đàng hoàng, có bếp ăn sang trọng mà không nấu ăn, nhiều hàng xóm tọc mạch nghĩ mối quan hệ vợ chồng của họ "có vấn đề". "Nhiều hàng xóm còn nói với mình rằng nấu ăn có gì là khó và quan trọng. Là phụ nữ, chỉ cần để ý chút là có bữa cơm ngon rồi. Lâu lâu đi ăn ngoài thì được chứ kiểu cơm hộp muôn năm và vợ chồng cứ như mặt trăng mặt trời thế này cũng không ổn. Nhưng mình bỏ ngoài tai hết. Cuộc sống của vợ chồng mình chỉ có mình và chồng hiểu” - Loan cười nói. Trao đổi về hiện tượng này, chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Phòng tư vấn Tâm lý Gia đình và Trẻ em TPHCM) cho biết: Hiện nay nhiều gia đình đi làm quá bận rộn. Giải pháp nhanh chóng và tiết kiệm thời gian cho bữa cơm của các gia đình trẻ này là cơm hộp. Điều này với nhiều người chỉ giản đơn là giải quyết nhu cầu bao tử, nhất là tiết kiệm được nhiều thời gian, thậm chí có khi họ vừa ăn cơm vừa giải quyết công việc. Có thể, với nhịp sống công nghiệp hiện nay, bữa cơm trưa văn phòng tại công sở đôi khi là điều bắt buộc. Thế nhưng, còn bữa ăn tối tại gia đình sau khi đi làm về? Việc chuẩn bị một bữa ăn tối tại nhà, nhất là cảnh "chồng xào vợ nấu" hay "chồng cắt vợ chiên" để rồi sau "vợ chan - chồng húp, gật đầu khen ngon" là điều không quá khó. Điều này tạo niềm vui cho cả gia đình, nhất là để giữ chân các ông chồng ham ăn (điểm yếu của quý ông). Do đó, khái niệm bữa cơm thường đi đôi với gia đình để tạo nên cụm từ: Bữa cơm gia đình. Cụm từ này có nghĩa tương đương với niềm vui và hạnh phúc gia đình. Chuyên gia tâm lý Lê Khanh khuyên các gia đình trẻ: Bữa cơm gia đình, ít nhất là bữa tối, được coi như thước đo và nhiệt kế để cân đo mức độ hạnh phúc, sự ấm cúng cần phải có. Vì vậy, đừng để công việc kiếm sống chiếm dụng quá nhiều thời gian và mất thời gian ăn cùng nhau. Chuyên gia tâm lý Lê Khanh khẳng định: Xét cho cùng, việc đi làm kiếm tiền cũng chỉ để có cái ăn hằng ngày. Do vậy, cũng là ăn, sao không chọn cách ăn uống mang lại năng lượng cho cơ thể và sinh khí cho tâm hồn. Ăn ngoài hàng, ăn cơm hộp quanh năm suốt tháng tuy nhanh, gọn nhưng có nguy cơ gây "ung thư" cho hạnh phúc gia đình trẻ.