Giá dừa sáp siêu đắt, gấp 10 lần dừa nước thông thường

(PLO)- Mặc cho các loại dừa nước truyền thống có giá bán từ 8.000 - 15.000 đồng/quả, dừa sáp Trà Vinh đang được bán tại TP.HCM với giá 150.000 đồng/trái.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày gần đây, một số điểm bán trên đường Trường Chinh (Tân Bình), Tân Sơn (Gò Vấp) và dọc tuyến đường thuộc chợ Phạm Văn Bạch (Gò Vấp)... xuất hiện nhiều xe bán dừa sáp với giá 150.000 đồng/trái, cao gấp 10 - 15 lần so với trái dừa nước thông thường.

Một quả dừa sáp có giá bán hơn 10 quả dừa nước

Theo người bán tại những khu vực nói trên, dừa sáp được lấy từ Trà Vinh. Đây cũng là tỉnh có diện tích trồng dừa sáp lớn nhất nước với hơn 722 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Cầu Kè và Châu Thành.

"Dừa có độ sáp cao, hàng bao ngon, mỗi quả nếu tính nguyên vỏ ước chừng 1,5 - 1,7 kg"- một người bán tại khu vực chợ Phạm Văn Bạch giới thiệu.

Dừa sáp được bán với giá 150.000 đồng/trái tại một điểm bán vỉa hè. Ảnh: THU HÀ

Dừa sáp được bán với giá 150.000 đồng/trái tại một điểm bán vỉa hè. Ảnh: THU HÀ

Khảo sát một cửa hàng khác tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, dừa sáp được phân thành ba loại: dừa sáp đặc biệt, dừa sáp lỡ và dừa sáp lỏng.

Đối với loại sáp đặc biệt, tùy theo trọng lượng quả mà giá bán khác nhau. Cụ thể, quả từ 1,8 kg - 2 kg trở lên sẽ có giá 170.000 đồng/trái, đủ cho 6- 7 người ăn, quả 150.000 đồng/trái sẽ có trọng lượng dao động 1,5 - 1,7 kg/trái, đủ cho 4 -5 người ăn, và loại nặng 1,1 kg -1,4 kg đủ cho 2 -3 người ăn sẽ có giá 130.000 đồng/trái.

Một số điểm bán phân loại giá của dừa sáp theo độ sệt của cơm dừa. Ảnh: Ngọc Hân

Một số điểm bán phân loại giá của dừa sáp theo độ sệt của cơm dừa. Ảnh: Ngọc Hân

Với sáp lỡ (sáp cơm vừa, nước lỏng) giá bán từ 120.000 đồng/trái to và 100.000 đồng/trái loại trung. Loại dừa sáp này giá bán sẽ thấp hơn đối với sáp lỏng (phần sáp cơm mỏng nhưng cơm mềm, nước như nước dừa khô thông thường) từ 60.000 - 65.000 đồng, tùy kích cỡ.

"Sức mua khá tốt, nhất là khi trời nắng nóng, người dân mua nhiều để về làm sinh tố hoặc dừa dằm rất ngon. Hiện loại dừa này đang được chúng tôi bao ăn và bao đổi trả khi độ sáp không đúng với phân loại dừa của tiệm" - người bán chia sẻ.

Cần nhiều thúc đẩy để dừa sáp thành thương hiệu

Trao đổi với PLO, ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng thư ký Hiệp Hội Dừa Việt Nam, nhìn nhận dừa sáp vốn là sản phẩm truyền thống của một vùng quê nhỏ. Hiện chưa có một khung giá chuẩn, cũng như chưa có một tiêu chuẩn sản xuất nào về độ đặc, độ béo, hình dáng... của dừa sáp, để người tiêu dùng có thể biết tới và làm thước đo lựa chọn.

"Chính vì thế, các giá bán hiện nay đều là giá bán tự có, tức là giá theo sự thỏa thuận giữa người bán và người mua"- ông Khoa nói.

Dẫu vậy, vị này cũng cho biết, dừa sáp đang mang lại giá trị và tiềm năng kinh tế vô cùng lớn.

"Hiện sản lượng trên thị trường đang thấp nhưng giá trị kinh tế mà dừa sáp mang lại đang rất cao, mở ra nhiều dư địa tốt trong việc phát triển kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, dừa sáp sở hữu độ béo tự nhiên và tốt cho sức khỏe con người, tôi có thể tự tin khẳng định dừa sáp sẽ hoàn toàn cạnh tranh tốt trong việc trở thành gia vị, nguyên liệu sản xuất ứng dụng trong thực phẩm, mỹ phẩm... và nhiều ngành nghề khác" - ông Khoa nói.

Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng của dừa sáp và không lặp lại bài toán rớt giá - giải cứu, theo ông Khoa, việc phát triển cây dừa sáp cần có quy hoạch bài bản. Mục tiêu của Hiệp hội đang đặt ra là phải xây dựng hình thành được nguồn cầu, rồi mới phát triển nguồn cung. Tránh tình trạng trồng ồ ạt rồi mới tìm nguồn cầu thì dễ đi vào bài toán rớt giá trong nhiều năm nay.

Ông Khoa lý giải, khi dừa sáp xây dựng được tên tuổi, bảo hộ thương hiệu và có chỉ dẫn địa lý như "cua Cà Mau" hay "kẹo dừa Bến Tre", thì sẽ tạo ra nền tảng vững chắc và uy tín để kích thích nhu cầu tìm hiểu, mua sắm của người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng, sẽ thu hút được sự đầu tư của doanh nghiệp sản xuất, từ đó sẽ có các đơn đặt hàng đối với nông dân. Đây chính là cách để phát triển nguồn cung, tiến tới hình thành vùng trồng và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

"Về phía hiệp hội, trong ba năm qua, chúng tôi cũng đã bắt tay vào việc thúc đẩy xây dựng thương hiệu, bảo hộ và thị trường cho dừa sáp. Đồng thời kết hợp với các cơ quan nghiên cứu, Sở NN&PTNT các tỉnh thành, xây dựng các nghiên cứu về tính ứng dụng cao của trái dừa sáp.

Từ 2019 tôi đã đề xuất với Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh về việc sớm xây dựng thương hiệu, đăng ký lưu hành, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc với dừa sáp, cũng như đăng ký bảo hộ về giống... Từ đó có thể tự tin trước chứng nhận dừa sáp "made in Trà Vinh"- ông Khoa chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm