Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa đứng đầu cả nước với diện tích hơn 77.000ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng hơn 672 triệu trái. Dừa còn là cây trồng phổ biến, gắn bó và là nguồn thu nhập của hơn 170.000 hộ trồng dừa nơi đây.
Trong 2 năm trở lại đây nhiều diện tích vườn dừa ở “thủ phủ” dừa Bến Tre bị sâu đầu đen tấn công, gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người trồng dừa. Khi dừa bị sâu đầu đen tấn công, cây bị cháy lá, suy kiệt rồi chết dần.
Vườn dừa ở Bến Tre bị sâu đầu đen tấn công cháy lá xơ xác. Ảnh: Đ.HÀ |
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, từ khi phát hiện ổ dịch sâu đầu đen hại dừa đầu tiên hồi tháng 7-2020 tại huyện Bình Đại, đến nay diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen trên toàn tỉnh đã lên đến hơn 940ha, trong đó tỉ lệ nhiễm nhiều khoảng 250ha.
Ông Huỳnh Quang Đức – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, khi sâu đầu đen mới xuất hiện, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu đã triển khai nhiều giải pháp dập dịch như: Phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng thiết bị máy bay không người lái; nhân nuôi, phóng thích ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa….
Trong đó phương pháp ưu tiên hiện nay là dùng ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen. Đến nay đã có khoảng 80 triệu ong ký sinh đã được phóng thích ra vườn dừa trên toàn tỉnh.
Đồng thời ngành nông nghiệp tỉnh cũng tăng cường hướng dẫn nhà vườn các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen như: cắt bỏ lá dừa bị nhiễm bệnh, phun thuốc hóa học để bảo vệ vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công.
Sâu đầu đen gây hại trên cây dừa. Ảnh: M.Đ |
Vì sao với diện tích nhiễm sâu đầu đen khá lớn và gây nhiều thiệt hại cho nông hộ nhưng đến nay tỉnh chưa công bố dịch bệnh trên cây dừa?. Trả lời câu hỏi này, ông Huỳnh Quang Đức – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, đến nay sâu đầu đen hại dừa vẫn còn rải rác khắp các huyện trong tỉnh, tuy nhiên mức độ thiệt hại đã giảm đi rất nhiều nhờ áp dụng các giải pháp phòng trừ nêu trên.
“Hiện đã có 60% diện tích vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công đã phục hồi. Dịch sâu đầu đen đang được kiểm soát và được thực hiện các biện pháp phòng trừ có hiệu quả, vườn dừa dần hồi phục tốt nên thời gian qua tỉnh chưa công bố dịch bệnh trên cây dừa” – ông Đức nói.
Ông Đức cho biết, hiện nay ở hầu hết các vườn dừa được người dân quan tâm, chăm sóc phòng trừ sâu đầu đen thì hầu như cây dừa đều phục hồi rất tốt.
Sâu đầu đen gây hại trên cây dừa. Ảnh: Đ.HÀ |
Tuy nhiên một số diện tích dừa ven các trục giao thông lớn như: quốc lộ, các tỉnh lộ, huyện lộ,… tuy trồng dừa nhưng người trồng không quan tâm, chăm sóc với nhiều lý do khác nhau: chủ đất ở xa, chờ bán đất hoặc nguồn thu từ cây dừa không đáng kể… nên dừa ở đây gần như bỏ hoang
Do đó những diện tích trồng dừa ven các trục lộ này trở thành nơi dịch sâu đầu đen trú ngụ, sinh sôi, phát tán sang các vườn dừa khác.
Trước nạn sâu đầu đen phá hại, trong khi nhiều nông hộ thu nhập chủ yếu nhờ cây dừa, mới đây tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Bến Tre với nhân dân, cử tri xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam kiến nghị cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà vườn bị thiệt hại do sâu đầu đen gây ra.
Ong ký sinh tiêu diệt sâu đầu đen hại dừa. Ảnh: SNN |
Trả lời ý kiến cử tri, ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho rằng : “Do chưa công bố dịch bệnh nên ngoài việc sử dụng ngân sách để thực hiện các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen để bảo vệ vườn dừa, giảm thiệt hại cho nông hộ, hiện tỉnh chưa có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ trực tiếp người trồng dừa bị dịch sâu đầu đen làm thiệt hại kinh tế”- ông Đức cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, đến nay ngân sách tỉnh đã chi hơn 2,6 tỷ đồng để thực hiện công tác nghiên cứu và các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.