“Phải khẳng định là với giá lúa hiện nay người dân có lãi khoảng 60% theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố, khoảng 4.000 đồng/kg và giảm trên nền giá cao đột biến”.
Đó là khẳng định của bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc tại hội nghị gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu trên toàn quốc do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào hôm qua, 3-3.
Cụ thể, Chủ tịch Vinafood 1 cho biết vừa qua có thông tin giá lúa giảm khoảng 30% và các doanh nghiệp chậm mua để chờ giá xuống.
Theo bà Tâm, giá lúa gạo thời gian qua tăng cao liên tục trong quý III, 4-2023 vì ảnh hưởng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Đến giữa tháng 1-2024, giá lúa gạo giảm dần với mức giảm từ trên 9.000 đồng/kg xuống còn 7.300-7.800 đồng/kg.
Nguyên nhân giảm là do hiện nay đang vào vụ thu hoạch chính vụ, tất cả các cánh đồng đều thu hoạch cùng thời điểm nên có sự ùn ứ tại các ruộng, nhà máy, thậm chí các cảng nội địa.
Hơn nữa, hiện nay Thái Lan, Philippine, Indonesia cũng thu hoạch. Bên cạnh đó, một số nước châu Phi hiện đang tồn nhiều gạo.
“Tuy giá giảm nhưng vẫn cao hơn của vụ Đông Xuân năm 2023 và đặc biệt là vẫn cao hơn giá của các vụ trước. Với giá như hiện nay thì báo cáo để Thủ tướng yên tâm là người nông dân hoàn toàn có lãi và rất phấn khởi, chắc chắn với giá này thì người nông dân vẫn tiếp tục tăng sản lượng” - bà Tâm nói.
Chủ tịch Vinafood 1 chia sẻ thêm, hiện Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam vẫn đang thu mua lúa gạo, mua liên tục ngày đêm và không có thời gian nghỉ. Từ tết đến nay đã mua được khoảng nửa triệu tấn gạo. Ngoài ra, hiện các kho của các công ty tư nhân cũng đang triển khai mua lúa gạo.
Thông thường vào tháng 3 Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tổ chức mở thầu với số lượng khoảng độ 200-250 ngàn tấn gạo. Số lượng này cũng đủ để đóng góp vào việc kích cầu. Lãnh đạo Vinafood 1 đề xuất, nếu điều kiện cho phép, đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính cho tiến hành sớm chương trình thu mua dự trữ vì các doanh nghiệp cần có hợp đồng để triển khai và đặc biệt là bảo đảm chất lượng trong kho.
Lãnh đạo Vinafood 1 cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục quan tâm, giảm lãi suất, đồng thời nới lỏng các điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, doanh nghiệp chế biến.
Năm 2023, xuất khẩu lúa gạo là điểm sáng với con số 8,1 triệu tấn; kim ngạch 4,67 tỉ USD; giá bình quân đạt 575 USD/tấn.
Sang năm 2024, Bộ NN&PTNT cho biết sản lượng lúa dự kiến vẫn đạt 43 triệu tấn, sau khi dành cho tiêu dùng nội địa thì vẫn còn 7,5-8 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Về nhu cầu thị trường, Chính phủ và các bộ, ban, ngành dự báo năm 2024 thế giới tiếp tục có nhu cầu lớn về gạo.