Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 10 ngày 2-3 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.
Dự báo xuất khẩu gạo năm 2024 vẫn thuận lợi
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT và một số cơ quan liên quan thì tình hình xuất khẩu gạo năm 2024 vẫn thuận lợi do nhu cầu gạo của thế giới vẫn duy trì ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang.
Tuy nhiên, hiện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ đông xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ giá lúa xuống thấp, còn người dân mong bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023.
"Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa" - Chỉ thị của Thủ tướng nêu.
Trước tình trạng trên, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, kịp thời, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam; chủ tịch, tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24 ngày 5-8-2023 của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu hoạch lúa vụ đông xuân theo đúng thời vụ và kịp thời chỉ đạo tổ chức sản xuất vụ hè thu.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh Bộ NN&PTNT tập trung triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Bộ NN&PTNT đẩy nhanh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Thí điểm mô hình đưa "thương lái" vào chuỗi ngành hàng lúa, gạo
Với nhiệm vụ của Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu Bộ chủ trì, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện "Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030”.
Bộ Công Thương cũng được giao chủ trì, phối hợp với bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo; theo dõi sát tình hình thương mại gạo thế giới để kịp thời thông tin đến cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo phù hợp, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa các "thương lái" vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo. Mục đích là để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình thu mua lúa, gạo trên địa bàn để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp và cung cấp cho các bộ, ngành liên quan phục vụ công tác điều hành sản xuất và xuất khẩu gạo của cả nước.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường cung cấp thông tin diễn biến tình hình sản xuất và thị trường lúa, gạo trong nước và thế giới tới các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội tích cực tham gia thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" và các mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch, tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất và dự trữ lưu thông theo quy định tại Nghị định 107/2018…