Hôm nay, ngày 13-12, giá vàng miếng SJC duy trì sắc xanh, nhưng vàng nhẫn 9999 bất ngờ quay đầu giảm. So với mức giá kỷ lục đầu tháng 12, hiện vàng nhẫn 9999 đã “bay” gần 2 triệu đồng.
Vàng miếng SJC "một mình một chợ"
Đầu giờ chiều nay, giá vàng thế giới dao động quanh mức 1.974 USD/ounce, thấp hơn 30 USD/ounce so với phiên đầu tuần. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, kim loại màu vàng tương đương 58,1 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Trước đó, ngày 4-12, giá kim loại quý vàng đã tăng tới 3% đạt 2.135 USD/ounce, cao hơn mức kỷ lục trước đó là 2.072 USD/ounce từng được ghi nhận vào tháng 8-2020. So với đỉnh, hiện mỗi ounce vàng trên thị trường quốc tế đã “bốc hơi” khoảng 160 USD/ounce, tương đương 4 triệu đồng/lượng.
Do vàng nhẫn 9999 diễn biến khá sát với giá vàng thế giới, nên khi thị trường quốc tế quay đầu giảm thì vàng nhẫn trong nước cũng giảm theo, song mức điều chỉnh giảm không tương xứng. Cụ thể, với mức giá đang giao dịch phổ biến quanh mức 59,8 triệu đồng/lượng mua vào và 60,65 triệu đồng/lượng bán ra, vàng nhẫn 9999 đã giảm khoảng 2 triệu đồng so với vùng đỉnh.
Đáng chú ý, riêng vàng miếng SJC vẫn “một mình một chợ” giữ vững vùng giá cao trong nhiều ngày qua, hiện mua bán quanh mức 72,2 – 73,7 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với chiều qua.
Do đi ngược với thị trường vàng thế giới, nên chênh lệch của giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới nới rộng lên tới 15,6 triệu đồng/lượng, thay vì độ vênh thông thường chỉ khoảng 12 triệu đồng. Cho dù giá giao dịch của vàng miếng duy trì sắc xanh, nhưng chênh lệch giá mua - bán lại được rút ngắn về còn 1 triệu đồng/lượng, trong khi trước đó khoảng cách này được đẩy lên mức 1,2 – 1,3 triệu đồng/lượng.
Nhưng ngay cả khi giá vàng thế giới đã “trượt dài” khỏi vùng đỉnh lịch sử, song các chuyên gia kinh tế vẫn dự báo giá vàng còn nhiều dư địa để tăng trong năm 2024. Vàng trở nên hấp dẫn hơn khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm bước vào chu kỳ giảm lãi suất điều hành ngay từ tháng 3-2024. Ngoài ra, những yếu tố bất ổn địa chính trị cũng khiến giá vàng được hưởng lợi.
Các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục gom vàng
Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của ngân hàng JPMorgan Chase cho biết: Đây có thể là thời điểm mà thế giới chứng kiến nhiều rủi ro về môi trường địa chính trị. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư thường coi vàng là nơi trú ẩn an toàn vì đây là tài sản hữu hình, khan hiếm và nó giữ được giá trị. Nhờ vậy, giá vàng đã tăng 10% trong năm nay.
Victoria Scholar, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại Interactive Investor, cho biết thêm: “Những lo ngại về bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và xung đột Israel-Hamas đã thúc đẩy nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng. Thêm vào đó, kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed vào năm tới đã gây áp lực giảm giá lên đồng USD càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng”.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đã mua trung bình 473 tấn vàng mỗi năm từ năm 2010 - 2021. Riêng năm 2022, họ đã mua 1.100 tấn vàng và trong ba quý đầu năm của năm nay là 800 tấn. Tốc độ mua chóng mặt đó “có thể tiếp tục trong nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ,” ông John Reade, chiến lược gia thị trường tại Hội đồng vàng thế giới nói.
Gần 1/4 ngân hàng trung ương cho biết trong một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 5 rằng họ có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới.