Giá kim loại quý trên thị trường thế giới lao dốc trong khi giá vàng trong nước giữ vững trên mốc 49 triệu đồng/lượng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vàng nội và vàng ngoại.
Cụ thể, tính đến 3h chiều nay, ngày 29-6, giá vàng thế giới rơi xuống mức 1.765 USD/ounce, giảm khoảng 11 USD/ounce so với một ngày trước. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 49,56 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 300.000 đồng/lượng so với một ngày trước.
Trong khi đó giá vàng trong nước vẫn giữ sắc xanh. Giá vàng miếng tại công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng 60.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước, hiện giao dịch quanh mức 48,95-49,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng cao nhưng chênh lệch mua - bán chỉ khoảng 350.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, giá mua vào vàng SJC của nhiều doanh nghiệp trong nước cũng vượt 49 triệu đồng/lượng. Đơn cử như giá vàng miếng tại công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá chốt phiên cuối tuần trước, niêm yết giao dịch ở mức 49,00-49,30 triệu đồng/lượng.
Công ty kinh doanh vàng bạc đá quý Phú Quý cũng công bố giá vàng SJC là 49,10-49,30 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch giá mua và bán rơi xuống mức rất thấp, chỉ có 200.000 đồng/lượng, do sức mua của người dân vô cùng èo uột.
Cách đây chừng 3 tháng, chênh lệch giữa giá mua vàng nữ trang, vàng nhẫn 24K có thời điểm lên tới 2,5 triệu đồng/lượng thì giờ đây chỉ còn cách nhau khoảng 200.000 đồng/lượng.
Hiện giá mua vào đối với vàng nhẫn tròn trơn, vàng nữ trang 24K giao dịch phổ biến ở mức 48,85 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 49,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng vàng miếng khoảng 200.000 đồng/lượng.
Theo các chuyên gia Phố Wall dự đoán, trong tuần này nhiều khả năng giá vàng sẽ tiếp tục đi lên. Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp toàn cầu của Công ty môi giới OANDA tin rằng vàng sẽ sớm vượt qua mức 1.800 USD/ounce bởi các chính sách nới lỏng tiền tệ.