Giá xăng dầu trong nước đã có bốn đợt giảm giá liên tiếp từ tháng 10 đến nay. Gần đây nhất, ngày 6-12, giá xăng sinh học E5 giảm 1.446 đồng/lít, xăng A95 giảm 1.513 đồng/lít. Tổng cộng, mỗi lít xăng sinh học E5 đã giảm hơn 3.600 đồng và xăng A95 giảm gần 4.000 đồng. Thế nhưng giá cước taxi, giá cước vận tải hàng hóa, dịch vụ… vẫn án binh bất động gây bức xúc cho người tiêu dùng.
Cước taxi, vận tải vẫn “ngủ yên”
Anh Thanh Hải, tài xế của một hãng taxi truyền thống tại TP.HCM, cho biết giá xăng giảm mạnh giúp anh tiết kiệm chi phí nhiên liệu gần cả trăm ngàn đồng mỗi lần đổ xăng so với trước đây. “Điều này giúp tài xế chúng tôi có thêm thu nhập trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với taxi công nghệ. Nhưng hãng xe vẫn chưa có động thái giảm giá cước khiến không ít người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí phản ứng với tài xế” - anh Hải thừa nhận.
Thực tế, đến thời điểm này hai hãng xe taxi lớn là Vinasun và Mai Linh vẫn chưa giảm giá cước. Biểu giá cước xe Mai Linh vẫn giữ nguyên từ năm 2017 đến nay, còn Vinasun là từ năm 2016. Chẳng hạn, giá mở cửa xe taxi loại bốn chỗ của Mai Linh vào tháng 8-2017 là 5.000 đồng và kilomet thứ hai trở đi là 16.900 đồng, đến nay vẫn giữ nguyên. Với Vinasun, xe taxi loại năm chỗ có giá mở cửa là 11.500 đồng đã được giữ nguyên từ tháng 5-2016 đến nay.
Trước việc giá xăng dầu liên tục giảm sâu nhưng giá cước vận tải lẫn taxi không điều chỉnh, nhiều hành khách đi taxi bức xúc. Anh Tuấn Minh (quận 3, TP.HCM), một hành khách thường xuyên đi taxi bày tỏ: “Giá cước taxi vẫn đứng yên từ đầu năm ngoái đến nay dù giá xăng giảm mạnh là rất bất hợp lý, thiếu công bằng với người dùng. Nếu các hãng taxi chỉ quan tâm đến lợi nhuận của mình mà không coi trọng khách hàng thì rất khó để cạnh tranh trên thị trường”.
Giá cước taxi vẫn đứng yên từ đầu năm đến nay dù giá xăng giảm mạnh là rất bất hợp lý. Ảnh: HTD
Viện đủ lý do để không giảm
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, có nhiều lý do khiến các hãng vận tải chưa điều chỉnh giá ngay. Thứ nhất, khi các doanh nghiệp (DN) vận tải tính toán phương án về giá cước, họ thường dự báo xăng dầu trong khoảng thời gian nhất định nên không điều chỉnh ngay. Ví dụ, các đơn vị vận tải lên phương án dự tính giá xăng có thể tăng lên tới 24.000 đồng hay giảm mạnh sâu dưới 17.000 đồng/lít mới bắt đầu tính chuyện điều chỉnh cước.
Thứ hai, nếu thấy có thể điều chỉnh giá cước, các DN vẫn phải cần thời gian để chuẩn bị, kê khai giá với cơ quan chức năng. Cụ thể, các DN vận tải phải làm thủ tục kê khai với Sở Tài chính, sau một thời gian kê khai theo quy định mới được điều chỉnh giá cước. Bên cạnh đó, các hãng taxi phải cài đặt lại đồng hồ tính tiền, bảng biểu, kẹp chì… Còn các đơn vị vận tải hành khách phải in lại vé và phát hành lại.
Tăng nhanh, giảm chậm Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng về mặt tâm lý, đứng ở góc độ người kinh doanh, giá xăng dầu tăng DN thấy đây là điều kiện có thể tăng giá trong bối cảnh cạnh tranh đầy áp lực kinh doanh. Do vậy, họ tích cực, nhanh chóng tăng giá hơn giảm giá. Điều này không quá khó hiểu. “Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình biến động giá xăng dầu, chúng tôi thường khuyến cáo các DN là phải giải quyết hài hòa lợi ích của DN, xã hội và người tiêu dùng. Có như vậy mới phát triển bền vững được” - ông Quyền nói. |
“Nhìn chung, các hãng phải chờ giá xăng dầu giảm với biên độ đủ rộng mới tiến hành họp các thành viên trong hiệp hội để thống nhất khung giảm giá chung” - ông Quyền giải thích thêm.
Điều này cũng khá phù hợp với ý kiến của ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM. Ông Hỷ cho rằng muốn tăng hay giảm giá cước cần phải có sự đồng tình chung của các hãng taxi, chứ từng hãng riêng lẻ không thể tự tăng hay giảm giá.
Bà Nguyễn Thị Trang, chủ một đội xe gần 20 chiếc xe tải chuyên chở hàng tại các cảng biển ở TP.HCM thì lý giải: Do giá ký hợp đồng đã thỏa thuận trước với khách hàng theo tháng, theo quý hay cả năm, bởi vậy khi giá nhiên liệu giảm hay tăng phải chờ kết thúc hợp đồng mới điều chỉnh được. “Thực tế, giá xăng giảm lần này cũng chưa đủ bù cho các đợt tăng giá trước đó” - bà Trang nói thêm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia và người tiêu dùng cho rằng các hãng taxi, vận tải đang giải thích theo kiểu ngụy biện. Bởi trước đây, khi giá xăng dầu tăng là các hãng lập tức tăng theo. Như vậy là không chấp nhận được, không sòng phẳng với khách hàng.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, với mức giảm giá khá nhiều của xăng dầu gần đây, các DN vận tải nên tính toán giảm giá cước tương ứng. Qua đó để tăng lợi thế cạnh tranh cho bản thân DN, đem lại lợi ích cho khách hàng.
Hàng hóa vẫn không giảm theo giá xăng dầu Giá xăng dầu liên tục giảm sâu nhưng giá hàng hóa vẫn án binh bất động, thậm chí một số mặt hàng tăng giá. Khảo sát giá một số mặt hàng tại chợ Tân Định (TP.HCM) cho thấy giá các loại rau củ quả hay các loại thịt vẫn ổn định so với tháng trước. Chẳng hạn, thịt gà có giá 110.000-120.000 đồng/kg, giá cà chua 12.000-15.000 đồng/kg, thịt bò 220.000-250.000 đồng/kg… Theo các tiểu thương tại chợ Tân Định, giá xăng dầu giảm không ảnh hưởng đến giá bán, mà giá cả phụ thuộc vào nguồn hàng cung cấp, sức tiêu thụ của khách hàng!? Đại diện chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart thì giải thích do đã ký thỏa thuận hợp đồng với các đối tác nên giá xăng dầu giảm chưa thể có tác động điều chỉnh giá với các sản phẩm tại cửa hàng. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi để tăng sức mua cho khách hàng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng” - vị đại diện FamilyMart cho biết. Tương tự, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food, cho biết những lần trước khi giá xăng tăng mạnh cùng với giá điện tăng, công ty cũng chưa điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Vì vậy, hiện nay khi giá xăng giảm công ty cũng chưa giảm giá theo. TÚ UYÊN |