Bộ Tài chính vừa gửi thông báo minh bạch về quỹ bình ổn giá xăng dầu theo nguyên tắc công khai minh bạch điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014.
Theo đó, Cục Quản lý Giá-Bộ Tài chính đã thông tin chi tiết về tình hình trích lập, sử dụng, số dư Quỹ bình ổn giá trong quý II-2018 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Tại thời điểm 31-12-2017, Quỹ bình ổn giá còn dư trên 5.105 tỉ đồng. Tuy vậy, sau khi trích lập, sử dụng, đến hết quý I-2018, số dư của quỹ còn trên 4.526 tỉ đồng. Trong quý II-2018, Quỹ đã trích ra trên 1.407 tỉ đồng để bình ổn giá.
Tổng số sử dụng Quỹ bình ổn giá trong quý II-2018 đạt trên 2.126 tỉ đồng. Lãi phát sinh từ số dư của Quỹ bình ổn giá đạt trên 5,3 tỉ đồng.
Cho đến hết quý II-2018, Quỹ bình ổn giá còn dư trên 3.812 tỉ đồng, giảm gần 1.300 tỉ đồng so với số dư hồi đầu năm (5.105 tỉ đồng). Như vậy tính ra mỗi ngày, quỹ bình ổn đã phải chi ra khoảng hơn 7,2 tỉ đồng để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Lần gần đây nhất Quỹ bình ổn giá được sử dụng là lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 22-8. Liên bộ Công Thương-Tài chính đã cho doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều chỉnh giá bán đối với mặt hàng dầu, giữ nguyên giá xăng.
Bởi theo cơ quan điều hành, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày tiếp tục tăng. Theo đó, xăng RON 92 dùng để pha xăng E5RON92 ở mức 81,785 USD/thùng (tăng 0,234 USD/thùng so với kỳ trước); xăng RON95 ở mức 84,332 USD/thùng (tăng 0,533 USD/thùng); dầu diesel 86,485 USD/thùng (tăng 0,771 USD/thùng); dầu hỏa là 86,230 USD/thùng dầu hỏa (giảm 0,879 USD/thùng); dầu mazut ở mức 444,734 USD/tấn (giảm 13,868 USD/tấn).
Bên cạnh đó, tỉ giá USD/VND tăng cũng đã tác động đến giá xăng dầu trong nước.
Vì vậy, nhà điều hành phải sử dụng công cụ quỹ bình ổn để hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.