Theo nguồn tin của PLO, vào ngày 25-10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Biên (Tây Ninh) đã ban hành kết luận điều tra (KLĐT) và đề nghị truy tố đối với các bị can trong “vụ chở thuê xe máy cũ bị tội”.
Trước đó, vào chiều ngày 4-7, TAND tỉnh Tây Ninh đã căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Tân Biên để điều tra lại.
Giải mã "bí ẩn" chiếc xe thứ 4
KLĐT lần này nêu rõ, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Biên đã có đủ cơ sở kết luận đây là vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 189 BLHS) do các bị can Nguyễn Thanh Giàu, Nguyễn Lê Anh Quốc, Trịnh Văn Kiệt, Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Huỳnh Công Đình Nghi thực hiện.
|
Sau khi HĐXX cấp phúc thẩm tuyên hủy án, CQĐT đã làm rõ một số điểm mấu chốt và ban hành KLĐT. Ảnh: MINH CHUNG |
Theo KLĐT mới, Giàu đang có tiền án về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Nhằm mục đích thu lợi bất chính, Giàu tham gia vận chuyển bốn xe mô tô có nguồn gốc nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam (với tổng giá trị là 386 triệu đồng), trong đó có một chiếc xe có giá trị 230 triệu đồng mà cấp phúc thẩm cho rằng KLĐT lần trước chưa chứng minh được nguồn gốc.
Cụ thể hơn, KLĐT mới nêu rõ, bị can Giàu khai xe này Giàu thông qua người tên H (không xác định được nhân thân, lai lịch) giới thiệu mua của một người khác ở công viên thuộc TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) với giá 98 triệu đồng nhưng Giàu chỉ trả trước 40 triệu đồng, quá trình mua xe có giấy tờ.
Sau đó, Giàu đem xe về nhà cất và mang giấy tờ xe đến Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh đưa cho một cán bộ (không rõ họ tên) để xem giúp có đăng ký được không, cán bộ nói có sai gì đó. Tiếp nữa, Giàu mang về giao lại cho H để chỉnh sửa nhưng Giàu không liên lạc được với H nên hiện tại không có giấy tờ gì liên quan đến chiếc xe này.
Tuy nhiên, quá trình điều tra xác định lời khai trên của Giàu về nguồn gốc xe này là không có cơ sở nên Cơ quan CSĐT đã bác bỏ đồng thời khẳng định chiếc xe này có nguồn gốc nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam.
Theo cơ quan công an, quá trình điều tra, Giàu không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, thể hiện thái độ xem thường pháp luật.
Tương tự, đối với bị can Quốc, người này biết rõ việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới là vi phạm pháp luật mà vẫn tham gia cùng với Giàu vận chuyển tổng cộng bốn xe mô tô với giá trị như trên, đều có nguồn gốc nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam.
Đây là một trong hai điểm mấu chốt mà cấp phúc thẩm quyết định hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại.
Bởi nếu chỉ tính ba chiếc xe mà Bảo, Nghi, Kiệt tham gia vận chuyển (tổng trị giá 156 triệu đồng), trong trường hợp bị kết tội thì Giàu, Quốc chỉ rơi vào khoản 1 Điều 189 BLHS (có khung hình phạt cao nhất là hai năm tù).
Còn nếu tính chiếc xe thứ tư (đã được KLĐT lần này làm rõ) vào thì tổng giá trị hàng hóa mà Giàu, Quốc vận chuyển trái phép là 386 triệu đồng, sẽ rơi vào khoản 2 Điều 189 BLHS (có khung hình phạt cao nhất là năm năm tù).
Vẫn đề nghị truy tố 2 bị can
Đối với bị can Kiệt, người này biết rõ việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới là vi phạm pháp luật mà vẫn tham gia cùng với bị can Giàu vận chuyển ba xe mô tô có nguồn gốc nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam với tổng giá trị là 156 triệu đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định Bảo, Nghi có phạm tội hay không phải xem xét đến hành vi của Giàu và xem xét đánh giá toàn diện vụ án – đây là điểm mấu chốt thứ hai mà tòa quyết định hủy án.
KLĐT lần này, về cơ bản, không có sự chứng minh nào mới, nhưng vẫn khẳng định các bị can Bảo, Nghi nhằm mục đích thu lợi từ việc nhận vận chuyển các xe mô tô, hai bị can này đã không kiểm tra giấy tờ, nguồn gốc các xe nhận vận chuyển.
Hành vi của Bảo, Nghi là mắt xích quan trọng để giúp sức cho bị can Giàu vận chuyển ba xe mô tô có nguồn gốc nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam, rồi vận chuyển về TP.HCM với tổng giá trị là 156 triệu đồng.
Do đó, CQĐT Công an huyện Tân Biên đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án kèm KLĐT đến VKS cùng cấp để truy tố các bị can Giàu, Quốc theo khoản 2 Điều 189 BLHS; Kiệt, Bảo, Nghi theo khoản 1 Điều 189 BLHS, cùng về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trước đó, CQĐT và VKSND huyện Tân Biên đã lần lượt khởi tố, truy tố Giàu, Quốc theo khoản 2 Điều 191 BLHS; Kiệt, Bảo, Nghi theo khoản 1 Điều 191 BLHS, cùng về tội vận chuyển hàng cấm.
Ngay sau đó, báo Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều bài viết phân tích, thể hiện quan điểm việc khởi tố, truy tố các bị can theo tội danh của Điều 191 BLHS là không đúng. Ngay cả việc kết tội Bảo, Nghi theo tội danh mới – vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 189 BLHS) cũng là không đủ cơ sở.
Xử sơ thẩm vào ngày 17-2, TAND huyện Tân Biên đã tuyên chấp nhận đề nghị đổi tội danh ngay tại tòa của VKS truy tố đối với các bị cáo Giàu, Quốc, Kiệt, Bảo, Nghi từ tội vận chuyển hàng cấm (Điều 191 BLHS) sang tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 189 BLHS).
Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt Giàu hai năm tù, phạt tiền Quốc 200 triệu đồng theo khoản 2 Điều 189 BLHS; phạt tiền Kiệt 20 triệu đồng, Bảo 25 triệu đồng, Nghi 20 triệu đồng theo khoản 1 Điều 189 BLHS.
Ở vụ án này, Bảo, Nghi kháng cáo kêu oan; Giàu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; Quốc, Kiệt không kháng cáo.
Sau đó, xử phúc thẩm tại TAND tỉnh Tây Ninh, HĐXX do thẩm phán Phạm Thị Thanh Giang làm chủ tọa đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND huyện Tân Biên để điều tra lại.