Với bệ đỡ hệ thống phân phối tốt, cùng với uy tín về thương hiệu và chất lượng, hàng hóa nhập khẩu Nhật đang ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam (VN). Điều này tạo ra một sức ép mới cho hàng VN, sau nhiều năm chống đỡ vất vả với hàng TQ, Thái Lan, Hàn Quốc.
Giám đốc Nhật tiếp thị muối, gừng, bánh trôi
Vào năm ngoái, khi chỉ một cửa hàng bán xăng dầu Nhật là Công ty Idemitsu Q8 xuất hiện tại Hà Nội đã gây rúng động cho thị trường xăng dầu. Câu chuyện ở đây không phải là việc đánh chiếm thị phần xăng dầu tại VN của một công ty nước ngoài mà chính cách phục vụ chu đáo, tận tâm, tôn trọng khách hàng, bán hàng trung thực… đã chinh phục người Việt.
Đặc biệt, việc đích thân vị giám đốc lẫn nhân viên bán hàng người Nhật cúi chào từng khách hàng một, thậm chí lau kính xe đã giúp những nhà kinh doanh VN rút ra nhiều bài học. Ngay cả ông lớn xăng dầu Petrolimex sở hữu thị phần xăng dầu lớn nhất tại nước ta cũng buộc phải thay đổi phong cách bán hàng sau sự kiện này.
Nhưng câu chuyện về người Nhật đưa hàng thâm nhập vào thị trường VN không đừng lại ở đó. Tại một buổi kết nối giao thương do Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật (JETRO) diễn ra ở TP.HCM, nhiều sếp công ty của Nhật đã quảng bá muối, gừng, nước sốt, cua đỏ, cua tuyết, nước tương, nước chấm Nhật… đến người Việt. Ông Akito Matsuo, đại diện Công ty GOYO chuyên cung cấp bánh trôi Nhật, cho biết đã giới thiệu đến người tiêu dùng bánh trôi làm hoàn toàn từ khoai tây Nhật, dẻo ngon, giàu giá trị dinh dưỡng.
Đáng chú ý, ông Akito Matsuo cho hay khi đưa mặt hàng này sang VN đã thay đổi giá bán sao cho phù hợp với đối tượng người tiêu dùng Việt. Bánh trôi ở Nhật bán 30.000 đồng/viên, đưa sang VN dự định bán khoảng 10.000 đồng/viên và trong một số trường hợp có thể giảm còn 5.000-6.000 đồng/viên.
Còn ông Hiroto Ohta, Giám đốc Công ty Ohta Kamaboko, thì đem sản phẩm chả cua, chả sò điệp, chả mực… làm hoàn toàn bằng thủ công, không dùng chất bảo quản để bán cho người Việt.
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM, mời người Việt dùng thử lê. Ảnh: TÚ UYÊN
Xin hãy hiểu người mua muốn gì
ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM, nói: “Thực tế, việc lựa chọn mặt hàng nào bán tại thị trường xuất phát từ các nghiên cứu và tham khảo hệ thống phân phối cửa hàng tiện lợi của Nhật đang hoạt động tại VN. Chính họ đưa ra những lời khuyên nên bán hàng hóa nào, với mức giá ra sao cho phù hợp và tập trung vào phân khúc khách hàng nào”.
Cũng theo ông Takimoto Koji, người Nhật hay VN đều có khẩu vị riêng. Do vậy người Nhật đã tổ chức các cuộc hội thảo, hội chợ, kết nối giao thương để lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng VN, gặp gỡ các công ty của VN nhằm hiểu về thói quen của người Việt.
“Chúng tôi còn mời chuyên gia ẩm thực của VN để nghe lời khuyên từ họ. Ví dụ, chúng tôi mời chuyên gia ẩm thực Võ Quốc giới thiệu các nguyên liệu của Nhật khi chế biến các món ăn từ thịt bò Kobe đến người Việt. Những sản phẩm của VN trước khi đưa sang thị trường Nhật cũng nên làm như vậy. Điều này có nghĩa là các công ty VN cần tìm hiểu cách thức ăn uống, khẩu vị của người Nhật ra sao để tung ra sản phẩm phù hợp” - ông Takimoto Koji từng khuyến nghị.
Ông dẫn chứng kẹo cao su Nhật cùng một hãng nhưng kẹo bán ở Nhật khác với kẹo bán ở thị trường VN, vì người Nhật thích ăn kẹo cứng hơn trong khi người Việt thích kẹo mềm. “Tôi nghĩ rằng khi muốn đưa sản phẩm nào đó, thực phẩm sang Nhật hay thị trường nào, cần nghiên cứu kỹ thói quen tiêu dùng của thị trường đó” - ông Takimoto Koji đúc kết.
Kết quả khảo sát Hàng VN chất lượng cao công bố vào đầu năm 2018 cho thấy nếu như năm 2017 hàng nhập khẩu từ Thái, Nhật, Hàn Quốc được người tiêu dùng thường mua chỉ dưới 3% đến nay đã tăng lên 8%-10%. Thậm chí có những sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống có xuất xứ từ Thái, Nhật, Hàn Quốc chiếm tỉ lệ 12%-17%. |
Xây dựng bệ phóng trước
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, đánh giá trong nhận thức người tiêu dùng, hàng hóa Nhật tốt, có chất lượng nên hàng hóa nhập khẩu Nhật có sức hút với khách hàng Việt là rất lớn.
Tuy nhiên, quan trọng cái cách mà người Nhật đưa hàng vào thị trường cho thấy họ rất am hiểu xu hướng và mức độ chi tiêu của khách hàng Việt. Không phải bỗng nhiên người Nhật đưa được hàng vào VN, mà trước đó họ đã xây dựng một hệ thống phân phối rộng lớn trên khắp cả nước như các cửa hàng tiện lợi Ministop, FamilyMart và đại siêu thị Aeon. Đây chính là một trong những bệ phóng để hàng Nhật thâm nhập mạnh vào thị trường Việt.
Ông Takimoto Koji xác nhận các sản phẩm bày bán tại hội chợ cũng đồng thời giới thiệu tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị Nhật. Sau khi kết thúc hội chợ thì những hàng hóa nhập khẩu Nhật có mức tiêu thụ tốt sẽ tiếp tục bày bán luôn tại thị trường VN. “Hơn 40% lượng hàng hóa nhập khẩu được giới thiệu tại hội chợ chính thức có chỗ đứng tại VN” - ông Takimoto Koji thông tin.
Bên cạnh đó bệ đỡ rất mạnh từ chính quyền Nhật cũng đã giúp hàng hóa Nhật mở rộng thị phần tại thị trường VN. Trưởng đại diện JETRO nhìn nhận để đạt được sự thành công, bắt đầu từ giữa năm ngoái, JETRO đã đi chào mời các doanh nghiệp trên khắp nước Nhật, qua đó lựa chọn chính xác mặt hàng nào cần giới thiệu với các tiêu chí sản phẩm phải có giá phù hợp với người tiêu dùng Việt, có nhu cầu cao và các sản phẩm cạnh tranh có nguồn cung thấp, có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai.
“Chúng tôi đã hỗ trợ các chi phí quảng cáo, thủ tục nhập khẩu cho các công ty Nhật đưa hàng vào VN” - ông Takimoto Koji khẳng định.
Bộ trưởng Nhật đi chợ Việt Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đã thành lập “Hội đồng hợp tác giữa JETRO và cửa hàng tiện lợi” nhằm thúc đẩy thương mại cho các mặt hàng của nước này. Không dừng lại ở đó, cách đây hai năm, chính ông Hayashi Motoo, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, đã dẫn một đoàn các doanh nghiệp Nhật trong các lĩnh vực rau, củ quả, đồ dùng gia đình, bánh kẹo, các sản phẩm nông nghiệp, thịt bò, thủy sản khảo sát thị trường VN.
Trong đó đặc biệt ông bộ trưởng dừng chân rất lâu tại hệ thống phân phối của Nhật để tìm hiểu nhu cầu mua sắm của người Việt. Đến thời điểm này, hàng hóa nhập khẩu Nhật đã được bán mạnh tại các cửa hàng tiện lợi và có chỗ đứng nhất định tại thị trường VN. |