Báo Pháp Luật TP.HCM xin đưa nguyên văn nội dung bức thư:
Các thầy giáo, cô giáo, những đồng nghiệp thân mến!
Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi đối tượng lao động của chúng ta chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất của con người; công cụ lao động của nghề dạy học chủ yếu là bằng bản thân người thầy, là toàn bộ nhân cách của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hóa đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình để tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt - là những con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, biết độc lập, tự chủ và sáng tạo.
Cô trò Trường THPT Linh Trung, Thủ Đức rạng rỡ trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: THỦY TRÚC
Riêng với đội ngũ trên 85.000 thầy giáo, cô giáo ở TP.HCM, chúng ta có quyền tự hào khi chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố luôn được nâng cao xứng tầm với sự phát triển - xã hội của thành phố. Học sinh thành phố được giáo dục toàn diện, được tạo điều kiện đầy đủ để phát triển năng khiếu, tư duy, sáng tạo, biết tự học và năng động trong vận dụng kiên thức. Các em không chỉ biết ứng dụng những kiến thức đã học trong sách vở vào việc nghiên cứu khoa học mà con biết nói không với cái xấu, biết đấu tranh với cái xấu; biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, các em được trang bị những kỹ năng để có thể thích ứng với sự thay đổi liên tục của xã hội. Đặc biệt, để hội nhập khu vực và quốc tế, tiếng Anh đang dần trở thành ngôn ngữ thứ hai của học sinh thành phố, kỹ năng về công nghệ, tin học được cập nhật, ứng dụng nâng cao. Những thành quả này chính từ sự đóng góp công sức rất lớn của mỗi thầy giáo, cô giáo chúng ta.
Các đồng nghiệp thân mến!
Những ngày đầu sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngành giáo dục và đào tạo thành phố vô cùng khó khăn. Đó không chỉ là những ngôi trường nghèo nàn về trang thiết bị, phòng học xuống cấp mà còn là hàng triệu người mù chữ - từ trẻ em, thiếu niên đến người trưởng thành…cho đến nay thành phố đã có rất nhiều ngôi trường khang trang hiện đại mang tầm cỡ khu vực; thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, phổ cập giáo dục từ tiểu học đến trung học… Để có được kết quả này là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời và có hiệu quả của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự đồng thuận của nhân dân thành phố, sự phối hợp hỗ trợ của các sơ, ban, ngành, quận, huyện. Nhưng trên hết đó là truyền thống cách mạng, đoàn kết, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động toàn ngành, chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó để vượt qua mọi thử thách khó khăn, xứng đáng là những nhà giáo chân chính, tiếp tục sự nghiệp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố mang tên Bác.
Hôm nay cùng với cả nước, chúng ta - những nhà giáo của thành phố tự hào mang tên Bác rất vui mừng đón chào Kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), thay mặt lãnh đạo Sở GD&ĐT, tôi xin kính chúc quý thầy giáo, cô giáo mạnh khỏe; xin gửi gắm niềm tin vào các thầy cô và mong mỗi nhà giáo chúng ta hãy luôn “tâm sáng, chí bền” để các thế hệ tương lai vững bước và vững tin trên con đường hội nhập.
Trân trọng và thân ái!