Giảm sốc ngay cho trẻ em bị bạo hành

Mấy ngày vừa qua, những hình ảnh và bình luận về trường hợp các trẻ ở cơ sở Phương Anh bị bảo mẫu bạo hành khiến nhiều người phẫn nộ, trái tim của các bậc làm cha làm mẹ thắt lại. Dưới góc độ là một người hoạt động vì trẻ em, tôi muốn chia sẻ một số khía cạnh cần quan tâm để hỗ trợ cho trẻ tốt hơn trong các tình huống tương tự.

Tránh gợi nhớ cảnh bị bạo hành

Sự việc vừa xảy ra đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để điều tra và xử lý theo quy định. Tuy vậy, những hỗ trợ về mặt tâm lý, bảo vệ các nạn nhân là điều mà quý vị phụ huynh cũng như những ai quan tâm đến các em cần chú ý. Điều chú ý đầu tiên là bảo vệ các em tránh khỏi những gợi nhớ về cảnh bị bạo hành, nhắc lại những cái tên, câu chuyện trở nên nhạy cảm đối với các em. Nên đưa các em đến gặp chuyên viên tâm lý cũng như bác sĩ để hỗ trợ và chăm sóc y tế kịp thời.

Mặt khác, khi vụ việc được các cơ quan chức năng xử lý, các cơ quan chỉ nên tìm hiểu hay lấy thông tin trực tiếp từ trẻ em khi thực sự cần thiết và nếu việc lấy thông tin đó sẽ được tiến hành bởi nhiều cơ quan khác nhau thì các cơ quan nên bàn bạc để cùng nhau tiến hành cùng một thời điểm thông qua một đại diện có kỹ năng hỗ trợ cho trẻ em. Làm như vậy sẽ giúp hạn chế những câu hỏi lặp lại và tránh cho các em nhắc lại những hành vi bạo hành đã xảy ra khiến các em bị tổn thương thêm nhiều lần nữa.



Các phụ huynh, cô, trò một trường mầm non ở TP.HCM cùng hào hứng tham gia một tiết mục văn nghệ của các bé. Ảnh: PTH

Báo chí đừng khai thác quá sâu

Về phía báo chí, cần tránh đăng tải trên các phương tiện truyền thông những thông tin về tình trạng tổn thương về tinh thần, thể chất cũng như nơi ở hiện tại của các nạn nhân. Đoạn clip của báo Tuổi Trẻ, nếu xem thì có thể chỉ biết các em mặt mũi như thế nào nhưng sẽ không biết các em là ai, sống ở đâu, cha mẹ như thế nào… Thế nhưng các báo sau này đến nhà khai thác thông tin về tình trạng tổn thương hiện tại của các em là không nên. Khi cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhà báo cần lùi lại, giữ giới hạn an toàn cho trẻ em, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em (một nguyên tắc hàng đầu trong bảo vệ quyền trẻ em).

Lâu dài, không ai chắc chắn rằng các nạn nhân không bị ảnh hưởng về mặt tâm lý, các quan hệ xã hội khi thông tin của các em bị bạo hành thời thơ ấu vẫn còn có thể tìm kiếm được một cách dễ dàng trên Internet. Theo kết quả điều tra của chúng tôi trong năm 2012, có rất nhiều trường hợp trẻ em không vượt qua được những ám ảnh đen tối của ngày trước khi mà chỉ cần gõ bàn phím vài giây là ra hàng loạt thông tin trước đây về mình.

Mong rằng người lớn đừng đẩy các em lún sâu vào những tổn thương trong quá khứ.

LÊ THẾ NHÂN,Chủ tịch Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (Codes)

Tiếng kêu cứu trong trẻo ấy bao giờ sẽ ngớt?

Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hai vụ bạo hành liên tiếp xảy ra từ các nhóm trẻ gia đình. Gõ cụm từ “bảo mẫu bạo hành trẻ em”, Google cho ra hơn 80.000 kết quả. Hầu hết các trường hợp này diễn ra ở các nhóm trẻ gia đình nơi có đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất.

“Năm Vì trẻ em” của TP.HCM đã đi qua được hai năm nhưng đến nay mới chỉ có duy nhất Khu công nghiệp Hiệp Phước xây được khu nhà trẻ nằm trong khu lưu trú công nhân, mà cũng chỉ có sức chứa cho 150 trẻ. Trong khi đó TP.HCM có tới 270.000 công nhân đang làm việc tại 15 khu chế xuất, khu công nghiệp.

Cứ đầu mỗi năm học, cảnh phụ huynh thức trắng đêm xếp hàng xin cho con học ở các trường công lại xuất hiện. Phụ huynh nào chạy được cho con vào trường công là thở phào nhẹ nhõm bởi nơi đó học phí vừa phải, con cái của họ được chăm sóc bởi những cô bảo mẫu đã qua trường lớp đào tạo, có bộ phận giám sát hẳn hoi. Vào trường tư chất lượng tốt thì người dân không lo đủ tiền, lựa chọn cuối cùng của họ là phải cho con học ở những nhóm trẻ gia đình, trường tư không phép. Bậc học mầm non vì thế gần như bị bỏ rơi. Kết cục là cứ dăm bữa nửa tháng, tiếng kêu cứu của những đứa trẻ không có một chút tự vệ cả về sức lực lẫn trí tuệ ấy lại vang lên. Dư luận lại thêm những lần nhói tim. Đến bao giờ tiếng kêu cứu trong trẻo ấy sẽ ngớt đây?

T.MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới